Tỷ lệ tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân gắn chip còn thấp

Trong nước - Ngày đăng : 01:02, 08/12/2022

Qua gần 9 tháng triển khai thí điểm, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân gắn chip còn rất thấp và tỷ lệ tra cứu thành công cũng rất thấp.
Tỷ lệ tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân gắn chip còn thấp

Cuối tháng 2/2022, Bộ Y tế đã có công văn gửi các đơn vị về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNelD). Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã có các văn bản chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chip khi tiếp đón người bệnh đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến ngày 18/11/2022, toàn quốc đã có 11.726 cơ sở triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 92% tổng số cơ sở khám, chữa bảo hiểm y tế trong toàn quốc) với 4.797.796 lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân khi tiếp đón người bệnh, trong đó có 2.942.327 lượt tra cứu thành công.

Tỷ lệ tra cứu thành công đạt 61,33% trên tổng số lượt được tra cứu. Tỷ lệ lượt khám chữa bệnh có tra cứu bằng căn cước công dân gắn chip trên tổng số lượt khám, chữa bệnh (tổng số lượt khám, chữa bệnh tính từ ngày 1/3/2022 - 18/11/2022 có khoảng 110 triệu lượt khám, chữa bệnh) mới chỉ đạt khoảng 4,36%.

Từ các số liệu báo cáo nêu trên có thể thấy qua gần 9 tháng triển khai thí điểm, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân gắn chip còn rất thấp và tỷ lệ tra cứu thành công cũng rất thấp.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý, rà soát tình hình triển khai thí điểm thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Y tế. Lưu ý khi có khó khăn, vướng mắc, đề nghị thủ trưởng đơn vị trực tiếp trao đổi với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và phối hợp với PC06 công an cấp tỉnh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Bộ Y tế nhấn mạnh, triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06 (Theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ), góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh, minh bạch thông tin, chống các hành vi gian lận, lợi dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

HT