"Một thế kỷ thiết kế nội thất Đan Mạch", thu hút nhiều bạn trẻ tham dự
Thư giãn - Ngày đăng : 06:42, 08/12/2022
Sự kiện nằm trong chương trình hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Đan Mạch.
Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thích thiết kế nội thất trong và ngoài nước, đặc biệt các bạn trẻ. Tham dự triển lãm, người xem có thể ngắm nhìn các tác phẩm nội thất tiêu biểu của 20 nhà thiết kế Đan Mạch trong một thế kỷ vừa qua.
Họ là các nhà thiết kế nội thất Đan Mạch nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến xu hướng và sự phát triển của ngành thiết kế nội thất Bắc Âu và thế giới.
Nhiều bạn trẻ yêu thích thiết kế nội thất đã đến dự triển lãm - Ảnh: Hoàng Giang |
Triển lãm là dịp để công chúng Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về văn hóa thiết kế nội thất Đan Mạch và gặp gỡ các nhà thiết kế nổi tiếng Đan Mạch. Đây cũng là dịp để các nhà thiết kế nội thất Việt Nam và Đan Mạch gặp gỡ, làm quen và thúc đẩy hợp tác trong tương lai.
Người tham dự được ngắm nhìn tác phẩm nội thất của 20 nhà thiết kế nổi tiếng của Đan Mạch - Ảnh: Hoàng Giang. |
Trong khuôn khổ sự kiện còn có tọa đàm Những câu chuyện thiết kế nội thất, với sự tham gia của ông Ebbe Gehl và ông Hans S. Jacobsen - hai nhà thiết kế nội thất Đan Mạch, kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà - đồng sáng lập Văn phòng VUUV và nhà thiết kế Nguyễn Phan Thùy Dương - Chủ biên ELLE Decoration Vietnam.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã giúp người xem hiểu rõ về những điểm nổi bật trong phong cách thiết kế nội thất của Bắc Âu (Scandinavian), giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của các nhà thiết kế nổi tiếng của Đan Mạch, Việt Nam và kể lại câu chuyện đằng sau những tác phẩm này.
Các diễn giả còn chia sẻ những quy tắc về thiết kế nội thất như: Các hiểu biết về chế tác - Quy tắc vàng đối với một nhà thiết kế nội thất; Từ trong ra ngoài - Từ ngoài vào trong....
Toàn cảnh tọa đàm “Những câu chuyện thiết kế nội thất” - Ảnh: Hoàng Giang. |
Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, từ năm 1971, 50 năm trước. Không lâu sau đó, Đan Mạch bắt đầu viện trợ nhân đạo và cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau chiến tranh. Viện trợ phát triển Đan Mạch dành cho Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 1993. Tính đến năm 2015, Đan Mạch đã cung cấp khoảng 1,3 tỷ USD Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) và trở thành một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Hồi năm 2013, Đan Mạch trở thành quốc gia Bắc Âu đầu tiên ký Thỏa thuận Hợp tác Toàn diện với Việt Nam. Đây cũng chính là cột mốc quan trọng, nâng tầm mối quan hệ song phương giữa hai nước từ hợp tác phát triển truyền thống lên quan hệ đối tác chính thức, qua đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, giáo dục và y tế. |