Ngành thực phẩm: Cần tăng cường liên kết nông dân - doanh nghiệp - Nhà nước

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:00, 09/12/2022

Để tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) cần thay đổi thiết bị, công nghệ hiện đại, đặc biệt là sự chung tay hỗ trợ của các chủ thể liên quan để liên kết nông dân - doanh nghiệp - Nhà nước.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), công nghiệp thực phẩm hiện ước tính chiếm tỷ trọng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh trong tổ hợp các phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hằng năm.

Ngành thực phẩm đã hình thành một số DN có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, được đầu tư công nghệ hiện đại, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như vươn ra thị trường thế giới, chẳng hạn như Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Masan, Sabeco, Habeco, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Bibica, Hải Hà...

Không chỉ xuất hiện những "ông lớn" thực phẩm nội địa, sức hấp dẫn của thị trường thực phẩm Việt Nam đã thu hút khá nhiều hãng thực phẩm và đồ uống nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam đầu tư sản xuất, kinh doanh như Coca-Cola, Pepsi, Heineken, Tiger, Carlsberg, Saporo, Orion, Nestle...

Xét về năng lực phát triển, DN thực phẩm Việt Nam không thua kém các tên tuổi ngoại. Chẳng hạn, Vinamilk đã đưa thương hiệu sữa Việt Nam lên vị trí cao trong ngành sữa toàn cầu. Hay TH True Milk đã đầu tư ra nước ngoài 2,7 tỷ USD để xây dựng tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số nhà máy chế biến thực phẩm tại Liên bang Nga. Trong năm 2021, ngành sữa xuất khẩu sản phẩm ra thế giới đạt kim ngạch khoảng 300 triệu USD.

-9732-1670557432.jpg

Gần đây, một số "ông lớn" trong ngành thực phẩm đã mở rộng đầu tư. Chẳng hạn, Kido đã tăng tốc tiến độ hoàn thành nâng cấp nhà máy dầu Vinh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại miền Bắc trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Kido đẩy mạnh xuất khẩu dầu ăn sang các nước trong khu vực. Masan trong tháng 7/2022 đã nhận chủ trương xây dựng Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm miền Tây 2 tại Hậu Giang, ước tính mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.

Bên cạnh những điểm mạnh, các DN thực phẩm đang phải đối mặt với khá nhiều thách thức bởi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa vận hành như trước đại dịch Covid-19 bùng phát, thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn, hàng tồn kho nhiều. 

Ngoài ra, theo ông Trương Tiến Dũng - Phó chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, khi đại dịch Covid-19 được khống chế, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong việc lựa chọn thực phẩm, DN thực phẩm cần phải chú trọng nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm mới bán được nhiều hàng.

Những năm tới, ngành công nghiệp thực phẩm phải chịu tác động từ sự chuyển đổi thị trường và xu hướng tiêu dùng mới. Để hỗ trợ ngành thực phẩm, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ có các chính sách định hướng phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Đại diện Nafoods Group cho biết, tập đoàn đang xuất khẩu sản phẩm sang 60 quốc gia, tăng trưởng doanh thu đạt hơn 40% trong hai năm qua. Tuy nhiên, muốn tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, tập đoàn vẫn cần định vị lại năng lực cốt lõi, hoạch định lại chiến lược kinh doanh, quản trị công ty thích ứng với thay đổi của thị trường, với xu thế chuyển đổi số. Chế biến sâu được đại diện Nafoods Group cho rằng sẽ là hướng đi hiệu quả để cạnh tranh thắng lợi.

Để tăng khả năng cạnh tranh, DN thực phẩm cần chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; phát triển sản phẩm mới đảm bảo an toàn, sử dụng nguyên liệu sạch, ưu tiên sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước. Các chủ thể liên quan cần hỗ trợ DN thực phẩm phát triển vùng nguyên liệu ổn định theo hướng tăng hiệu quả liên kết nông dân - doanh nghiệp - nhà quản lý. Tăng cường giám sát bảo hộ thương hiệu, nhãn mác, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, chống hàng nhái, hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ những DN làm ăn chân chính.

Lan Ngọc