Ngân sách ít, nhưng TP.HCM có đến 31 di tích cần trùng tu khẩn cấp
Đời thường - Ngày đăng : 06:37, 09/12/2022
UBND TP.HCM cho biết ngày 31/3/2021, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (Sở VH-TT) đã ban hành về việc tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. Đến ngày 17/6/2022, sở tiếp tục có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) trong đó đề xuất đối với các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích chưa được cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở đó, Sở VH-TT và các địa phương đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình các cấp thẩm quyền với 8 dự án ưu tiên mức 1, tổng mức đầu tư ước tính 440 tỷ đồng.
Theo UBND TP.HCM, các chủ đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đã trình, phê duyệt và đang chuẩn bị triển khai thực hiện các dự án Giồng Cá Vồ, đình Chỉ Hòa, Bảo tàng Lịch sử, chùa Giác Viên, đình Xuân Hiệp, đình Bình Đông...
Đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình thẩm định 12 dự án, bao gồm: đình Tân Túc, đình Phú Lạc, đình Vĩnh Trường, trại giam Bệnh viện Chợ Quán, khách sạn Continental, công trình số 14 đường Cách Mạng Tháng Tám, chùa Giác Lâm, đình Trường Thọ, đình Linh Tây, đình Bình Thọ, Hội quán Hà Chương, Hội quán Lệ Châu.
Thành phố cũng khảo sát, lập phương án đầu tư đối với 11 dự án: di tích khảo cổ quốc gia lò gốm Hưng Lợi, đình Nam Tiến, đình Tân Quy Đông, đình Vĩnh Hội, đình Tân Hòa Tây, đình Hòa Thạnh, đình Tân Hội, miếu Xa Tân, đình Xuân Hòa, kho bom Phú Thọ, khu di tích Dân công Hỏa tuyến...
Hiện nay, số lượng di tích xuống cấp nhiều cần tu sửa cấp thiết, nguồn vốn ngân sách có hạn. Do đó, Sở VH-TT đã tiếp tục phối hợp với các quận huyện khảo sát lại di tích Bảo tàng Mỹ thuật, đình Tân Quy Đông, lò gốm Hưng Lợi... đưa vào thứ tự ưu tiên để Sở KH-ĐT cân đối bố trí vốn khẩn cấp.
Bên trong Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán hiện nay có khu trưng bày những kỷ vật và quá trình hoạt động của Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: Internet |
Đề xuất chủ trương tu sửa cấp thiết, Sở VH-TT đang trình UBND.TPHCM cho phép chủ trương tu sửa cấp thiết các di tích bằng kinh phí sự nghiệp hằng năm của sở để tiến hành gia cố, gia cường kịp thời các di tích có khả năng sập đổ. Đồng thời, sở cũng đang lên kế hoạch lập quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thành phố, để vận động thêm từ nhiều nguồn vốn khác.
Ngoài ra, đối với các dự án tu bổ di tích sử dụng nguồn vốn đầu tư công, Sở KH-ĐT tư tham mưu Thành phố bố trí vốn cho các dự án như Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (giai đoạn 3): 100 triệu đồng; cải tạo, nâng cấp nội dung trưng bày 9 không gian đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược: 100 triệu đồng.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Ảnh: Internet |
Tiếp đến là tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí Di tích lịch sử trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam: 50 triệu đồng; di tích lịch sử cấp quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi cố Tổng bí thư Trần Phú hy sinh: 100 triệu đồng.
Một số dự án khác cũng trong giai đoạn xuống cấp và chờ nguồn vốn, như di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; nhà đặt trống đồng thuộc khu tưởng niệm các Vua Hùng...