Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần đi vào chiều sâu
Đời thường - Ngày đăng : 01:28, 09/12/2022
Thời gian qua, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Cùng với đó, đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, chương trình nghệ thuật về Bác như thơ ca, nhạc, kịch, điện ảnh, cải lương... rất hay và đi vào lòng người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nhiều năm đã đạt được những kết quả nhất định và có nhiều tấm gương điển hình sinh động trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác, việc học tập và làm theo Bác cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa. Những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện, cần phấn đấu để vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ trong tác phẩm văn học nghệ thuật, trong khắc họa hình tượng Bác...
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. Đây được xem là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần phấn đấu để tạo điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Để thực hiện hiệu quả nội dung này, trước hết là xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Điều này đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01 của Bộ Chính trị gắn với phẩm chất của người dân TP.HCM. Đó là phẩm chất kiên cường, tiên phong, là năng động, sáng tạo, nghĩa tình gắn với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình.
Theo các chuyên gia, các không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay còn mang tính “đồng phục”, thường là một góc đọc sách, phòng trưng bày. Do đó phải có giải pháp để lan tỏa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng với mục tiêu cần xây dựng bộ tiêu chí về xây dựng không gian văn hóa; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Cần lan tỏa văn hóa giao tiếp, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ thể lan tỏa văn hóa này chính là cán bộ, công chức của thành phố.
Đề cập đến góc độ tiếp cận là một thành tố của văn hóa nói chung, có ý kiến cho rằng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là động lực phát triển của thành phố mang tên Bác. Do đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gắn với xây dựng thành phố nghĩa tình, nhân ái, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân phải hiểu đúng về không gian văn hóa Hồ Chí Minh và việc thực hiện, tránh hiểu chưa đúng dẫn đến thực hiện không đúng. Quá trình xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần tránh tính phô trương, hình thức, mà phải đi vào chiều sâu.