Xoay sở lo tiền Tết cho người lao động

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:00, 12/12/2022

Dù tình hình kinh doanh cuối năm đang gặp rất nhiều bất lợi, các doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay sở thưởng Tết, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Kinh doanh sụt giảm, thưởng Tết gặp khó

Mặc dù chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023 nhưng hiện các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao, trong khi nguồn vốn lại hạn chế. Đáng nói, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất và cắt giảm lao động. Trước bối cảnh đó, việc tính toán ngân sách để thực hiện thưởng Tết cho người lao động theo thông lệ hằng năm trở nên vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - CEO của MASU cho biết, sau hai năm dịch Covid-19, MASU bị thu hẹp thị trường, kéo theo doanh thu giảm 70-80%. Đã vậy, tình hình kinh tế thế giới sau dịch bệnh lại có những diễn biến khó lường, tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.

"Cho đến hiện tại, MASU mới chỉ hoạt động trở lại ở mức 60% so với trước dịch. Với đặc thù trong ngành may mặc, chúng tôi phải sử dụng khá nhiều lao động. Dù không mong muốn nhưng trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã phải cắt giảm một phần lao động nhằm tối ưu hóa chi phí”, ông Thanh chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Mì nui cũng phải cắt giảm nhân sự. Từ 150 công nhân trong giai đoạn làm ăn cao điểm, bây giờ công ty chỉ còn 120 công nhân. Bên cạnh đó, công ty này cũng còn 200 tấn hàng tồn kho vẫn chưa giải quyết được.

Cùng mối lo trước tình hình kinh doanh không khả quan, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa thể lập kế hoạch thưởng Tết mặc dù thời điểm đã gần kề. Tại một số doanh nghiệp, mức thưởng Tết trước mắt là 1 tháng lương cơ bản.

-9702-1670569872.jpg

Vẫn cố gắng xoay sở

Tình hình khó khăn là vậy, thế nhưng các doanh nghiệp vẫn đang xoay sở mọi cách để hỗ trợ người lao động có tiền trang trải dịp Tết. Bởi các doanh nghiệp biết rõ, nếu không được đảm bảo phúc lợi xã hội và lương thưởng thì nguy cơ người lao động nghỉ việc sẽ rất cao. 

Theo ông Tuấn Thanh, người lao động là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Vậy nên chăm lo cuộc sống cho người lao động chính là cách chăm sóc tốt nhất cho chính doanh nghiệp. Do đó, ngay từ quý II/2022, Ban lãnh đạo Công ty MASU đã lên kế hoạch cụ thể về vấn đề tài chính giai đoạn cuối năm với quyết tâm sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Trong khi đó, nhận thức được những áp lực có thể đến trong những tháng cuối năm nên từ 2-3 tháng trước, Công ty Sài Gòn Mì nui đã lên kế hoạch thưởng Tết cho công nhân. Theo đó, ông Quán Quang Diệu - Giám đốc Công ty Sài Gòn Mì nui đã trích ngân sách để thưởng lương tháng thứ 13 cho nhân viên làm dưới hai năm. Nhân viên làm từ hai năm trở lên được hưởng lương tháng thứ 14. Còn với nhân viên gắn bó trên 5 năm thì bên cạnh tháng lương 14 còn có thưởng riêng. Ngoài lương thưởng, công ty cũng tặng cho mỗi công nhân một túi quà. 

Còn đối với Công ty Du lịch Vietravel, nguồn ngân sách lương thưởng được xây dựng hằng năm nên hầu như công ty không có nhiều sự thay đổi ở các khoản chi phí đầu tư thưởng Tết. Do đó, năm nay cán bộ nhân viên của Vietravel vẫn sẽ nhận được thực phẩm thiết yếu sử dụng trong Tết, thưởng Tết và lì xì đầu năm trong ngày đầu tiên quay lại làm việc của năm mới.

Bà Trần Việt Hương - Giám đốc Nhân sự của Vietravel cho biết, giai đoạn trước dịch Covid-19, công ty có 1.300 nhân viên mảng du lịch và hiện tại con số này còn khoảng 900. Để đảm bảo lương thưởng cho nhân viên, dựa trên kết quả kinh doanh hằng tháng, Vietravel sẽ trích ra để chi trả. 

"Hằng tháng, mỗi đơn vị chỉ trả lương và giữ lại khoản chi thưởng. Vì vậy, tuy công ty có khó khăn trong giai đoạn phục hồi sau dịch nhưng chúng tôi vẫn lo đủ lương và thưởng cho cán bộ nhân viên để họ có thể an tâm công tác", bà Hương nói.

Tuy nhiên, để tránh kéo dài tình trạng khó khăn trong việc giải quyết lương thưởng, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, trên hết các ban ngành cần đưa ra giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, qua đó góp phần ổn định kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn ổn định. Chỉ có thế, người dân mới an tâm đón Tết.

Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã yêu cầu các doanh nghiệp cần bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch; không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.

Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể trao đổi với tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở (hiện nay có tổ chức công đoàn) và báo cáo Phòng LĐTB&XH để phối hợp tổ chức kế hoạch thưởng Tết và hỗ trợ người lao động.

Tâm An - Đăng Báo - Hoàng Giang