Xây dựng các trường đại học khởi nghiệp
Start up - Ngày đăng : 04:01, 12/12/2022
Vì sao TP.HCM phải xây dựng các trường đại học khởi nghiệp?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể, đó là đến năm 2025 TP.HCM là đô thị thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.
Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, TP.HCM cần có được lực đẩy rất lớn từ đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến sức khỏe doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng bộc lộ nhiều vấn đề. Số lượng doanh nghiệp cũng giảm sút. Vì thế, để duy trì vị thế là cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp cả nước, việc xây dựng các trường đại học khởi nghiệp là cần thiết đối với sự phát triển của TP.HCM.
Qua thực tiễn thế giới đã chứng minh, ngày nay doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tạo ra doanh số "khủng" và lợi nhuận rất cao. Do đó, cần có định hướng phát triển đại học khởi nghiệp ở TP.HCM để tăng tốc phát triển đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
TP.HCM cần phải làm gì?
Có thể hiểu mô hình trường đại học khởi nghiệp là xu thế phát triển của các trường đại học có năng lực, tiềm lực, tự chủ và năng động. Như vậy, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP.HCM cần phải xây dựng các trường đại học khởi nghiệp và tập trung vào hai chức năng đào tạo: tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp. Theo đó, TP.HCM cần:
Thứ nhất, có chính sách hỗ trợ các trường đại học đang có phong trào khởi nghiệp tốt, để ươm mầm trở thành trường đại học khởi nghiệp.
Hiện có một số trường đại học đã có những điều kiện để phát triển thành trường đại học khởi nghiệp. Điển hình như Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, vốn đã có trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ từ năm 2010, là nơi ứng dụng kết quả của đề tài nghiên cứu về xây dựng vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học. Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM từng triển khai cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp từ năm 2018, thu hút hơn 200 dự án khởi nghiệp với kết quả là sự hình thành của nhiều sản phẩm, doanh nghiệp như Nonglamfood (thông qua Công ty TNHH Lê Trung Thiên), sản phẩm trà Kombucha (Mantra), các sản phẩm nấm linh chi, đông trùng hạ thảo...). Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước đưa học phần "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp" vào chương trình chính khóa cho sinh viên lựa chọn.
Trên cơ sở các trường đại học trên, thành phố có thể lựa chọn một số trường trọng điểm để đầu tư tài chính, xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, chú trọng đào tạo tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên theo các mô hình đại học của Mỹ như MIT. Sau một thời gian thực hiện, thành phố có tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra các trường đại học khác.
Thứ hai, đề xuất sửa đổi các chính sách chưa phù hợp trong Luật Khoa học và công nghệ. Cần xây dựng những chính sách và hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ và giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học để họ xúc tiến thương mại hóa các sản phẩm.
Cần có sự tiếp xúc giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp để tạo lòng tin và có nhiều sản phẩm thương mại hóa. Cần có một bộ phận trung gian kết nối giữa người làm ra sản phẩm trí tuệ và người bỏ tiền đầu tư, khai thác.
Thành phố cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính: linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Các văn bản quy phạm pháp luật cần định hướng, quy định cụ thể và chi tiết hơn về việc lập kế hoạch, dự toán kinh phí, phê duyệt và cấp phát kinh phí kịp thời.
Thứ ba, thành phố cần xây dựng thị trường khoa học công nghệ thuận lợi, giúp các trường thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học trên địa bàn. Tại TP.HCM có 53 trường đại học và 49 trường cao đẳng, chiếm tỷ trọng 22,17% cả nước. Đây là "cái nôi" để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho thành phố, khu vực và quốc gia.
Cùng với đó, TP.HCM còn có chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao, Tòa nhà Vườn ươm... là những nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường khoa học công nghệ của TP.HCM và cả nước.
Thứ tư, xây dựng và ban hành cơ chế phù hợp tạo sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, vì lợi ích của các bên cũng như lợi ích chung của toàn xã hội. Từ mối liên kết này, các trường đại học ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, còn phía doanh nghiệp sẽ có được nguồn nhân lực giỏi.
Thứ năm, thành phố có cơ chế hỗ trợ các trường đại học thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ, các dịch vụ tư vấn, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Có chính sách giúp "pháp nhân hóa" các trung tâm và bộ phận thương mại hóa công nghệ tại trường đại học để giúp họ tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.
Tóm lại, để có thể xây dựng các trường đại học khởi nghiệp, TP.HCM lựa chọn một số trường đại học để đầu tư trọng điểm. Đặc biệt, thành phố nên ban hành chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của TP.HCM đến năm 2030 nhằm thực hiện chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
(*) Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế VEC, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI