Ba thách thức của ngành du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 06:47, 13/12/2022

Chất lượng nhân sự yếu, thiếu nguồn cung lao động và thiếu sản phẩm du lịch là ba thách thức của ngành du lịch trong thời gian tới.
Ba thách thức của ngành du lịch

Thiếu sản phẩm du lịch là một trong áp lực mà ngành du lịch tiếp tục đối diện trong thời gian tới

Áp lực về điểm đến mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, du khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2022 đạt 596,9 nghìn lượt, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, du khách quốc tế đến nước ta đạt 2.954,2 nghìn lượt, gấp 21,1 lần so cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so cùng kỳ năm 2019.

Khách du lịch nội địa tháng 11/2022 đạt 4,5 triệu lượt và 11 tháng năm 2022 đạt 96,3 triệu lượng. Tổng thu từ du khách trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, theo khảo sát của Vietnam Report, ngành du lịch vẫn đang đối diện với ba thánh thức lớn. Trong đó, nguồn nhân lực yếu chiếm 36,7%, thiếu lao động chiếm 29,1%, thiếu sản phẩm du lịch chiếm 25,3%. 

Chính việc thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và thiếu điểm đến du lịch mới đang gây ra áp lực đáng kể cho ngành du lịch. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ du khách quốc tế và nội địa tăng nhanh trong thời gian qua đã khiến các điểm đến phổ biến trong nước đối mặt với tình trạng quá tải. Điều này làm tăng rủi ro về trải nghiệm của du khách trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân sự của toàn ngành chưa được chuẩn bị đầy đủ hậu Covid. 

-6021-1670814055.jpg

Nghiên cứu của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10 và 11/2022

Bên cạnh đó, mật độ du khách tăng lên trong thời gian qua cũng dẫn đến những vấn đề về giao thông (kẹt xe), môi trường (ô nhiễm), đặc biệt tại các đô thị Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Vì trong những năm qua, hạ tầng du lịch chỉ tập trung đầu tư mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú nhưng lại thiếu cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng giao thông, môi trường. Thách thức này cùng với công tác quản lý yếu kém là nguyên nhân chính khiến phần lớn khách hàng không hài lòng khi đến các điểm du lịch.

Nguồn nhân lực thiếu trầm trọng

Ngành du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là quản trị cấp cao, vì các nguồn cung lao động du lịch hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN. 

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, các DN trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Năm 2021, số lượng lao động làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Đại dịch khiến nhiều lao động phải chuyển nghề, dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành du lịch. Đây là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Không chỉ vậy, ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau - MRA-TP”, cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ. 

Số liệu thống kê và thực tế tại DN cho thấy, Việt Nam vừa thiếu nhân lực có trình độ đạt tiêu chuẩn quốc tế, vừa thiếu nhân lực đủ niềm đam mê làm việc. Ngay với nhu cầu phát triển du lịch trong nước, chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch nội địa. 

-3012-1670814055.jpg

Các triển lãm, hội chợ về du lịch luôn thu hút rất đông khách tham quan

Trong bối cảnh này, áp lực phải tái cấu trúc toàn diện ngành du lịch để tạo bộ mặt mới và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ đang đặt ra bài toán mà ngành du lịch trong nước phải nhanh chóng tìm lời giải. Sự tồn tại của các DN đang gặp rủi ro nếu không có sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng là rất cần thiết đối với DN. 

Minh Hào