Ăn thịt cóc, coi chừng chuốc họa vào thân…
Sống khỏe - Ngày đăng : 07:30, 14/12/2022
Qua phân tích của các chuyên gia y tế của Viện Dinh dưỡng thì trong 100g thịt cóc chỉ có hàm lượng đạm và kẽm cao (55,4g đạm và 65mg kẽm), nhưng lượng đạm và kẽm này có thể tìm thấy nhiều trong thịt heo, thịt gà, thịt ếch, sò, hến, hàu... Ngoài ra, lượng canxi và vitamin D trong thịt cóc cũng xem như bằng không. Ngược lại, trong thịt cóc chứa rất nhiều loại độc tố cực kỳ nguy hiểm, nếu không biết cách chế biến, loại bỏ độc tố thì sẽ nguy cấp tới tính mạng của trẻ, thậm chí cả những người lớn có thể trạng khỏe mạnh, nếu như ăn phải.
Theo thông tin từ một số y, bác sĩ, trong cơ thể con cóc, từ nội tạng, trứng, gan, da, mắt chứa rất nhiều bufotoxin - một chất cực độc và có thể gây chết người ngay tức thì sau khi ăn phải. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin - một loại độc tố có ở cá nóc. Điều cực kỳ nguy hiểm là một khi độc tố đã dính vào phần thịt cóc thì dù có đun sôi, nấu chín thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn không bị phân hủy, vẫn luôn rất nguy hiểm.
Cứ 100g thịt cóc chỉ có hàm lượng đạm và kẽm cao (55,4g đạm và 65mg kẽm) |
Rất nhiều vụ nạn nhân bị tử vong do ăn thịt cóc ở nước ta trong những năm gần đây là bằng chứng nói lên sự nguy hiểm rất khó lường của độc tố trong thịt cóc, vì trong cơ thể con cóc hầu hết bộ phận của nó đều có chứa độc tố. Vì thế, người dân không nên ăn thịt cóc, nhất là các ông bố bà mẹ hãy từ bỏ thói quen, phương cách mua, chế biến thịt cóc để bồi bổ, chữa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho trẻ. Không nên lạm dụng các chế phẩm từ thịt cóc để khỏi phải chuốc họa vào thân...
(*) Đại học Quốc gia TP.HCM