Nên chăng miễn, giảm thuế, phí cho người lao động và doanh nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 08:00, 14/12/2022
Trong ba tháng trở lại đây, đã có hàng vạn lao động phải nghỉ việc vì doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng từ đối tác nước ngoài giảm đáng kể, ngân hàng không còn giải ngân thông thoáng như trước và lãi suất cho vay theo chiều hướng tăng thêm, nền kinh tế một phần bị ảnh hưởng từ những hệ quả của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu và còn rất nhiều khó khăn khác, dù Nhà nước đã có một số chính sách kịp thời ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng con số đó chẳng thấm vào đâu.
Chính vì lẽ đó mà người lao động phải gánh chịu cảnh giảm lương, giảm thu nhập, thất nghiệp, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, nhất là vào thời điểm cuối năm. Không chỉ công nhân, nhân viên văn phòng tại một số công ty cũng đang bị tiết giảm.
Với công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, mức lương chỉ có thể đủ sống, nếu muốn dư chút ít, phải chấp nhận tăng ca. Trước khi cầm được đồng lương ít ỏi ấy, người lao động đã bị tạm thu phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, tất cả đã chiếm hơn 10%.
Với người thu nhập đủ mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân, tuy có chính sách giảm trừ gia cảnh nhưng thủ tục, hồ sơ không hề dễ dàng. Còn đối với doanh nghiệp thì phải đóng thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, đóng bảo hiểm cho người lao động và đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân tại doanh nghiệp. Không thể phủ nhận chi phí tiền lương, chi phí tài chính (lãi vay) luôn chiếm tỷ trọng rất cao đối với phần chi phí của một doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể, các loại phí mà doanh nghiệp và người lao động phải đóng như sau:
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2022, số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy rằng, doanh nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn về tài chính, về thị trường tiêu thụ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá xăng biến động khó lường.
Trước tình hình ấy, kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đánh giá về việc miễn, giảm các loại thuế, phí như kể trên, nếu được, đó chính là công cụ hỗ trợ không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả người lao động. Và nên chăng việc miễn, giảm một số loại phí, thuế có thể được áp dụng trong một lộ trình cụ thể với từng đối tượng, từng loại hình doanh nghiệp.