Thị trường trái phiếu trước cơ hội phục hồi
Quốc tế - Ngày đăng : 02:35, 14/12/2022
Sau tháo chạy
Tổng dòng vốn rút khỏi trái phiếu chính phủ (TPCP) Trung Quốc 10 tháng đầu năm nay tăng lên 625 tỷ CNY, tương đương gần 2.200 tỷ USD. Trong 2 tháng gần nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo 97,2 tỷ CNY TPCP nước này, trong bối cảnh các tài sản khác của nước này đang giảm giá mạnh sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc.
Theo ước tính của Ngân hàng Morgan Stanley, TPCP Trung Quốc có thể tiếp tục bị rút ròng 24 tỷ USD năm 2023, thấp hơn mức khoảng 90 tỷ USD của năm 2020. Dòng vốn đổ vào có thể sẽ không hồi phục cho tới năm 2025, với hoạt động mua trái phiếu phục hồi chậm hơn so với cổ phiếu, một phần do sự khác biệt trong chu kỳ chính sách tiền tệ giữa các nước.
Tổng nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của giới đầu tư toàn cầu trên thị trường liên ngân hàng đạt 3,38 nghìn tỷ CNY tính đến cuối tháng 10/2022. Sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ ở mức 9,4% tổng khối lượng trái phiếu lưu hành đến cuối tháng 10/2022, ổn định so với tháng trước đó.
Bên kia đại dương, thị trường trái phiếu Mỹ vốn đang yếu ớt lại sắp đối mặt với viễn cảnh về một đợt hỗn loạn cuối cùng trước khi bước sang năm 2023, do khối lượng giao dịch giảm dần, đặc biệt trong những tuần cuối của năm nay, khi số liệu về việc làm và lạm phát tháng 11/2022 được công bố. Đây vốn là hai số liệu có ảnh hưởng tới tốc độ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đặc biệt trong cuộc họp chính sách ngày 14/12/2022.
Giai đoạn thị trường biến động mạnh nhất do những thay đổi lớn về lợi suất mỗi ngày luôn khiến giới đầu tư trên thị trường trái phiếu Mỹ lo lắng nhất. Hầu hết là do cách thị trường đánh giá về triển vọng tăng lãi suất của FED để kiềm chế lạm phát. Những gì diễn ra gần đây cho thấy rõ ràng rằng tình trạng hỗn loạn có thể kéo dài thêm một thời gian nữa.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, một chỉ số cho thấy kỳ vọng ngắn hạn của thị trường về lãi suất của FED, đã tăng lên và vượt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 và 10 năm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm và lần đầu tiên trong chu kỳ xuống dưới phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương, hiện là 3,75-4%. Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang dự đoán kinh tế sẽ bị thiệt hại và FED sẽ phải hạ lãi suất.
Là cơ hội mua giá rẻ?
Dù vậy, không ít nhà đầu tư có thể đang tận dụng cơ hội để mua giá rẻ trên thị trường này. Như ở thị trường Trung Quốc, sau khi chứng kiến các quỹ ngoại rút vốn kỷ lục trong tháng 10 cùng với xu hướng đồng CNY xuống thấp nhất 15 năm so với USD, tâm lý nhà đầu tư từ đầu tháng 11 đến nay đã có phần cải thiện, sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách Zero Covid và ban hành gói cứu trợ thị trường bất động sản.
Hay như tại Mỹ, sau làn sóng bán tháo trái phiếu lịch sử vừa qua đã tàn phá thị trường trên khắp thế giới kể từ đầu năm 2022, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin vào mọi thứ, nhưng giờ đây trước viễn cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường TPCP Mỹ dường như có vẻ bớt nguy hiểm hơn.
Việc FED mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên những mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Nhưng với giá tiêu dùng tại Mỹ tăng chậm lại trong tháng 10/2022 khiến thị trường càng thêm kỳ vọng cú sốc lạm phát lớn nhất trong nhiều thập kỷ cũng đang dần qua và FED có thể sẽ tăng lãi suất chỉ 0,5% trong phiên họp chính sách tháng tới.
Trong bối cảnh này, biên an toàn cho bất kỳ ai mua TPCP Mỹ hiện tại đã cải thiện đáng kể so với thời kỳ lãi suất thấp. Theo đó, nhờ lợi suất và lãi coupon tăng nên rủi ro đáo hạn giảm xuống, có nghĩa là nếu xảy ra một đợt bán tháo mới trong thời gian tới, nó cũng sẽ gây ra ít thiệt hại hơn cho các nhà quản lý tài sản. Và khi triển vọng lạm phát giảm hay đà tăng trưởng kinh tế chậm lại đều sẽ giúp tăng giá trái phiếu trong tương lai.
Hay như trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ phòng hộ nổi tiếng thế giới cũng đang tích cực "săn hàng giá rẻ” những trái phiếu có lợi suất cao nhưng bị xếp hạng tín nhiệm thấp hơn mức đầu tư nói riêng và trái phiếu doanh nghiệp nói chung, với niềm tin rằng làn sóng bán tháo do triển vọng kinh tế thế giới u ám đã đi quá xa.
Quỹ đầu tư Elliot mới đây nói với nhà đầu tư rằng cơ hội trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đầu tư vào doanh nghiệp gặp khó về tài chính đang tăng nhanh. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Pháp BNP Paribas đối với các nhà đầu tư quản lý tổng hơn 380 tỷ USD tài sản của quỹ phòng hộ, cho thấy họ có kế hoạch tăng phân bổ vốn cho các quỹ trái phiếu ở tất cả khu vực, trong đó các quỹ của Mỹ là phổ biến nhất.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2022 do lo ngại rằng chi phí đi vay tăng mạnh sẽ dẫn đến làn sóng vỡ nợ tại nhóm doanh nghiệp tăng trưởng nhờ thời kỳ tiền rẻ. Lãi suất đối với những doanh nghiệp đi vay rủi ro đã tăng mạnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia đầu tư tại các quỹ tin rằng một số phân khúc của thị trường trái phiếu đã giảm quá nhiều so với rủi ro vỡ nợ, nên một số quỹ bắt đầu mua vào. Một số người trong ngành cũng lập luận rằng mặc dù các vụ vỡ nợ dự kiến tăng lên, song tình hình có thể không như những gì đã xảy ra trong một số cuộc khủng hoảng trước đây.