Tận dụng lợi thế của chuỗi cung ứng thế giới

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 15/12/2022

Được xem là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần tận dụng lợi thế đang có song song với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng tỷ trọng nội địa, giảm phụ thuộc nguồn cung thế giới...

Cơ hội cho Việt Nam

Chia sẻ tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 ngày 8/12/2022, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) Trần Phú Lữ cho biết, Covid-19 gây đứt gãy hàng loạt chuỗi cung ứng toàn cầu. Căng thẳng Nga - Ukraine, rồi chính sách Zero Covid làm tăng thêm rủi ro trong việc cải thiện chuỗi cung ứng, tác động đến lạm phát và hoạch định chính sách.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm thay thế và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, chip điện tử và ô tô. Không những vậy, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất của các nước phát triển cũng ngày càng quan trọng hơn. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như Google, Microsoft, Apple đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Mỹ. Rất nhiều sản phẩm của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cho Mỹ, từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ô tô, đến các tấm pin mặt trời để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới và cho biết, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang thúc đẩy các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ đã bắt đầu những chương trình hỗ trợ cho hoạt động này. Có 103 dự án đã được thực hiện và 41 dự án trong số đó là liên quan đến Việt Nam. Các dự án này thuộc lĩnh vực gia công kim loại, y tế và thiết bị điện.

-4508-1670570250.jpg

Cần giảm phụ thuộc

Theo ông Alex Tatsis, DN nhỏ và vừa là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng số lượng DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn quá ít, do chưa thể đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các nhà đầu tư nước ngoài và DN hàng đầu trong nước. Vì vậy, Mỹ đang đầu tư để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn. Cụ thể, Mỹ tăng cường thuận lợi hóa thương mại và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Thông qua dự án kết nối các DN nhỏ và vừa (LinkSME) của USAID giúp các DN nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và thực hiện chuyển đổi số. Điều này giúp DN tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì lợi ích chung của hai quốc gia.

Hiện Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để DN thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, có nhiều vấn đề DN Việt Nam cần quan tâm để có thể tận dụng lợi thế đang có. Trong đó, cấp thiết phải giảm phụ thuộc các DN vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, gia tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu nội địa.

Về lâu dài, để phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu cần có những giải pháp đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển vùng cung ứng nguyên liệu nội địa, tạo cơ hội cho DN phụ kiện bổ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất sản phẩm cuối cùng. Chính phủ phải đẩy mạnh, phát triển ngành logistics, xây dựng các cảng biển để giảm giá logistics đang lên cao như hiện nay nhằm góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thế giới.

Riêng với TP.HCM, để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng cần đưa ra các định hướng, giải pháp, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các cơ quan chức năng và DN trong quá trình nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Hồng Nga