Khi giới trẻ dùng công nghệ phục hưng văn hóa cổ
Văn hóa - Giải trí - Du lịch - Ngày đăng : 01:18, 17/12/2022
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, 70,7% số người được hỏi hứng thú với trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, bơi thuyền, ném còn... Số lượng gen Z cảm thấy bình thường với những trò chơi này là 32,1% và chỉ 0,7% nói không hứng thú.
Thời gian gần đây, ngành giải trí, truyền thông tâm huyết với phong trào "về nguồn", làm sống lại văn hóa truyền thống, chẳng hạn nhiều bộ phim ra rạp có đề tài Tết Nguyên đán, phim hoạt hình về đề tài lịch sử, số hóa nhiều tác phẩm văn học, tranh dân gian... Truyện tranh đề tài lịch sử của giới trẻ kêu gọi được kinh phí lớn, được mạng xã hội ủng hộ.
Trong phong trào "Vì một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc", nhiều nhóm bạn trẻ là những người tiên phong, họ làm việc không vì lợi nhuận hay danh vọng. Có nhiều nhóm đã đạt được những thành công nhất định và gây được tiếng vang như Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Đình làng Việt, Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, Đại Việt Cổ phong, S.River...
Dùng Facebook "đánh động" cơ quan quản lý
Tại đình làng So (Quốc Oai, Hà Nội), nhóm Đình làng Việt hình thành đã ba năm, từng cho ra mắt chương trình "Tết Việt". Tại đây, nhiều người được sống trong không khí Tết Nguyên đán xa xưa của ông cha ta, như lễ dựng cây nêu, gói bánh chưng, viết thư pháp... Nhiều việc làm của nhóm đã thu hút sự chú ý của giới trẻ nên họ đã tổ chức các chuyến đi tìm hiểu văn hóa, di tích Việt, khám phá di sản của cha ông và tuyên truyền giá trị di sản tới người dân địa phương. Nhóm Đình làng Việt cũng đã thực hiện chương trình phục dựng áo dài nam truyền thống.
Chương trình "Xã trưởng Mẹ đốp" của nhóm Đình làng Việt |
Tháng 9/2014, họa sĩ Nguyễn Đức Bình (nay được biết đến với danh xưng "trưởng thôn Đình làng Việt") mở nhóm Đình làng Việt trên Facebook, nay đã có hàng nghìn thành viên. Lời nhắn duy nhất của "trưởng thôn" khi mời gia nhập nhóm là "chỗ để anh em trao đổi".
"Anh em" - theo ý của họa sĩ Nguyễn Đức Bình gồm chuyên gia bảo tồn, nghiên cứu mỹ thuật, di sản, phóng viên theo dõi mảng văn hóa và bất cứ ai yêu di sản. Những hoạt động đầu tiên của Đình làng Việt trên Facebook là... kêu cứu. Nhờ mạng xã hội, những người yêu di sản đều có thể đăng tải những di tích mình đã đến hoặc của địa phương mình. Những cuộc trùng tu như phá hoại, những di tích chờ sập, những sự tô vẽ linh vật, hiện vật, biểu tượng ngoại lai trong lòng di tích hay những cuộc "đào tẩu" khó hiểu cấu kiện của các di tích cổ đều được cập nhật liên tục trên mạng. Từ những thông tin ấy, một "tổ công tác đặc biệt" của nhóm được thành lập để đến di tích tìm hiểu hiện trạng.
Qua Đình làng Việt, những hạn chế tràn lan trong việc quản lý, bảo vệ di tích đã được đưa lên các mặt báo. Nỗi băn khoăn của những người yêu di sản cũng đã vào "dòng chính" của truyền thông, đánh động các cơ quan quản lý. Cũng từ đây, một số nhà quản lý cấp thành phố và nhiều nhà quản lý cấp di tích cũng gia nhập nhóm để cập nhật những bất cập và hiểu hơn về di tích. Với những người theo dõi di sản, đa phần đều thừa nhận việc trùng tu di tích đã cẩn trọng hơn rất nhiều từ khi có nhóm Đình làng Việt. Những "vết đen" về trùng tu, tôn tạo như đình Quang Húc, lăng Ngô Quyền, chùa Sổ... được báo chí phanh phui liên tiếp trong năm 2013-2014 đã giảm rõ rệt.
Khi số lượng thành viên tăng, nhóm Đình làng Việt thêm một "chức phận": lan tỏa tình yêu di sản. Những chuyến điền dã về Kinh Bắc, Xứ Đoài... khiến nhóm ngày một vững mạnh.
Trong các chuyến điền dã, ngoài tham quan di tích, cộng đồng còn được những nhà nghiên cứu mỹ thuật, di sản như Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Bình... thuyết trình về vẻ đẹp của di sản. Những buổi diễn xướng dân gian ở đình làng mà nhóm đi thăm cũng khiến nhiều người thích thú. Từ thế giới ảo, Đình làng Việt bước ra thế giới thực như một cộng đồng vững mạnh gắn kết bởi mối quan tâm chung.
Từ một nhóm nhỏ trên Facebook đã có triển lãm "Đình làng Việt: Những điều còn mất" tại Hà Nội. Triển lãm kéo dài trong ba tuần với kinh phí do các thành viên trong nhóm đóng góp, đặc biệt có thêm đóng góp của hai thành viên từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Những chương trình đa dạng, sáng tạo
Nhóm Đại Việt Cổ phong đang tạo ra dấu ấn với chương trình "Hoa văn Đại Việt". Đây là chương trình số hóa hoa văn truyền thống của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và đưa vào ứng dụng thực tiễn với sách tô màu, in móc khóa. Những nhà nghiên cứu như họa sĩ Trần Quang Đức, Nguyễn Mạnh Đức và các thành viên của Đại Việt Cổ phong đã phục dựng những hoa văn gần như biến mất và chia sẻ miễn phí, không giữ bản quyền. Những hoa văn từ thời Lý, Trần, Lê... được vẽ lại theo công nghệ vector và được tải lên website để ai có nhu cầu thì sử dụng.
Đại diện nhóm Đại Việt Cổ phong ra mắt bức tranh cổ được vẽ lại |
Trong quá trình thực hiện chương trình, nhóm gặp không ít khó khăn do hiện vật bị phong hóa. Các chi tiết trên nhiều mẫu hoa văn không còn nguyên trạng do thời tiết, thiên tai, thời gian và được chạm khắc trên chất liệu gỗ, gốm trên vải nên thiếu bền vững. Các thành viên của nhóm không phải ai cũng học chuyên ngành về lịch sử, khảo cổ học. Dò dẫm, thậm chí mất phương hướng đã xảy ra ở thời gian đầu nhóm bắt tay vào công việc.
Chương trình "Hoa văn Đại Việt" được thực hiện bằng cách gây quỹ cộng đồng. Dự kiến, kinh phí khoảng 100 triệu đồng nhưng khi gây quỹ, nhóm đã được cộng đồng ủng hộ 200 triệu đồng. Hiện nay, Đại Việt Cổ phong đã thu hút được hơn 14.000 người theo dõi trên mạng, kể cả không ít bạn trẻ ở nước ngoài.
Điểm đặc biệt của Đại Việt Cổ phong chính là đã đưa lịch sử, đưa nét đẹp văn hóa dân tộc đến với độc giả bằng một góc nhìn hoàn toàn mới. Thay vì áp đặt, nhóm đã đưa thông tin lên mạng để cùng thảo luận, cùng tìm hiểu, cùng chia sẻ. Trang fanpage chính thức của nhóm Đại Việt Cổ phong - VietnamAncient chính là nơi chia sẻ thông tin.
"Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" là nơi tập hợp những bạn trẻ có chung niềm yêu thích với chèo và mong muốn giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhóm đã tổ chức thành công khóa học hai bộ môn chèo và chầu văn do những nghệ nhân chèo nổi tiếng như NSƯT Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Tuấn Kha giảng dạy. Nhóm còn thực hiện nhiều chương trình trải nghiệm sáng tạo như "Không gian nguồn cội", "Young Culture day", "Về nguồn", "Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”, "Gala Tôi chèo về quê hương".
Nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh vừa ra mắt thành quả phỏng dựng trang phục của công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức). Nhóm cũng đang thực hiện nhiều chương trình như phỏng dựng trang phục hoàng gia triều Nguyễn và lên kế hoạch thực hiện một show diễn trang phục xưa nhằm chuyển tải, quảng bá nét đẹp văn hóa Việt đến với người trẻ nói riêng cộng đồng nói chung, thậm chí ra cả thế giới.
Nhóm S.River vừa gây ấn tượng với chương trình số hóa tranh dân gian Hàng Trống để bảo tồn. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét về tâm huyết của những bạn trẻ với văn hóa truyền thống: "Chúng tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị, yêu văn hóa của những bạn trẻ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết với mong muốn giúp mọi người tiếp cận, yêu văn hóa truyền thống hơn. Các hoạt động này không chỉ thu hút những đóng góp về chuyên môn, mà còn kích thích mọi người suy nghĩ và chia sẻ”.