Việt Nam nhập khẩu rau quả hơn 1,8 tỷ USD

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:36, 20/12/2022

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu rau quả trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo tiếp tục tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết.
Việt Nam nhập khẩu rau quả hơn 1,8 tỷ USD

Theo đó, táo là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với tổng giá trị trong 10 tháng đầu năm nay đạt 214 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nhập khẩu táo chính là các nước New Zealand, Trung Quốc, Mỹ... 

Xếp thứ hai về kim ngạch nhập khẩu trong nhóm ngành rau quả là nho với tổng trị giá gần 160 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nho được nhập khẩu chính từ các nước Úc, Mỹ, Trung Quốc. 

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều tỏi, đậu xanh, hành tây, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp... cùng các loại rau củ chế biến như khoai tây chiên, rong biển, bột ớt, hạt dẻ cười tẩm ướp, hạt hướng dương...

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tháng 11/2022 đem về 340 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,09 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Việc tăng nhập khẩu, trong khi xuất khẩu khó khăn, đã gây sức ép khiến nhiều mặt hàng rau quả trong nước phải giảm giá bán, khiến lợi nhuận của bà con nông dân trồng trái cây không còn cao như những năm trước đây.

Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyện được đi xa do không thể bảo quản được lâu.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị doanh nghiệp cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường.

HT