Xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến đạt kỷ lục mới
Trong nước - Ngày đăng : 09:13, 23/12/2022
Sau thời gian khởi sắc cả về lượng lẫn giá trị, các dự báo cho thấy cơ hội để xuất khẩu gạo Việt Nam rộng thêm đường, tăng thêm giá là rất khả quan. Bên cạnh việc chiếm lĩnh thị trường truyền thống, các phân tích của chuyên gia còn cho thấy, gạo Việt Nam còn có nhiều cơ hội để mở rộng thêm ngay tại thị trường này trong thời gian tới.
Nếu như trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gạo được hơn 6 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,945 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, thì chỉ trong tháng 10, con số này đã nhảy vọt khi đạt mức tăng 22,3% về lượng và 23,9% về giá trị so với tháng 9/2022. Trong khi đó, theo các dự báo quốc tế cho thấy khả năng Việt Nam đạt cột mốc xuất khẩu 7 triệu tấn vào dịp cuối năm là rất cao.
Trong số hơn 6 triệu tấn gạo xuất khẩu vừa qua, gạo Việt Nam chủ yếu bán vào thị trường Philippines (2,74 triệu tấn), Trung Quốc (757,575 nghìn tấn), Bờ Biển Ngà (588,621 nghìn tấn). Tuy nhiên, các thị trường này đang có dấu hiệu tiếp tục tăng nhu cầu nhập khẩu.
Cụ thể, dù đến đầu tháng 11.2022 Philippines đã nhập khẩu đến 3,243 triệu tấn gạo, nhưng sắp tới, quốc gia này sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm do các siêu bão liên tục tàn phá. Tương tự, Trung Quốc cũng sẽ nâng nhập khẩu lên 5 triệu tấn do tác động của hạn hán và lũ lụt ảnh hưởng đến sản xuất gạo…
Không chỉ rộng cơ hội mở rộng đường xuất khẩu ngay tại thị trường truyền thống, gạo Việt còn có thêm nhiều khả năng tại thị trường mới. Điển hình là thị trường Indonesia. Lần đầu tiên sau 3 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, mới đây giới chức trách lương thực nước này dự kiến sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong số các quốc gia mà nước này dự kiến nhập khẩu như Thái Lan, Pakistan… thì Việt Nam có nhiều lợi thế.
Trước hết, gạo 5% của Thái đang mất dần thế mạnh cạnh tranh so với Việt Nam. Hiện dù gạo Việt Nam bán giá 430 USD/tấn, đắt hơn gạo Thái nhưng được người tiêu dùng lựa chọn. Bên cạnh yếu tố dẻo và ngon hơn do là gạo lúa mới so với phần lớn gạo Thái là gạo cũ, còn có thêm yếu tố thời gian gần đây gạo Việt liên tục tạo dấu ấn mạnh tại các cuộc thi gạo ngon tại đấu trường quốc tế và khu vực.
Tại Mỹ và Canada,vốn là hai thị trường lớn trong phân khúc gạo thơm của thế giới mà trước đây Thái Lan có thế mạnh, cho thấy gạo Việt đang được người tiêu dùng đón nhận hơn khi có 6-7 thương hiệu trong số 10 thương hiệu gạo thơm chào bán trên hai thị trường này. Đây được xem là tín hiệu vui cho người trồng lúa dịp cuối năm.
Trước diễn biến tích cực trên thị trường xuất khẩu gạo, giá thu mua lúa tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chuyển động theo hướng có lợi cho người trồng, thu ngắn những biến động về giá vật tư đầu vào. Hiện giá thu mua lúa Thu Đông đang tăng 100-400 đồng/kg. Cụ thể, lúa OM 5451 giá 6.600-6.800 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giá 6.900-7.200 đồng/kg...