Khai thác hiệu quả nguồn vốn quý: Việt Nam mạnh, doanh nghiệp "cất cánh"
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 02:45, 28/12/2022
Phát huy các nguồn vốn
Vốn tài nguyên: Tài nguyên khoáng sản Việt Nam là một lợi thế, bởi nguồn tài nguyên đa dạng với hơn 5.000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản, từ khoáng sản kim loại, khoáng sản năng lượng đến khoáng sản vật liệu xây dựng.
Trong đó, những khoáng sản có trữ lượng lớn nhất nước ta là dầu khí, than đá, apatit, đất hiếm, đá vôi, quặng titan. Tuy nhiên, việc khai thác một cách hiệu quả những điểm mạnh về sự phong phú nguồn tài nguyên của Việt Nam so với các nước vẫn còn là thách thức bởi những lý do sau:
- Hiện dầu khí là loại khoáng sản có trữ lượng lớn nhất nước ta, do vùng biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, trong đó hơn một nửa có tiềm năng khai thác dầu khí. Tuy nhiên, do tranh chấp Biển Đông và những biến động về năng lượng toàn cầu, âm mưu xâm chiếm thềm lục địa biển Đông của Trung Quốc... là những nguy cơ đòi hỏi Việt Nam phải có các sách lược pháp lý, ngoại giao để giành công lý và chủ quyền thềm lục địa cho quốc gia.
- Với đặc thù địa lý của một xứ sở nhiệt đới, nắng, gió là nguồn tài nguyên vô tận và quý giá để khai thác năng lượng tái tạo: năng lượng điện mặt trời, năng lượng điện gió, vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất vừa giảm chất khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường. Song việc đầu tư khai thác hai nguồn năng lượng tái tạo này cho thấy vẫn chưa hiệu quả.
Vốn con người: Việt Nam tuy có nguồn lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ, nhưng nhân lực còn yếu về chất lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động và sáng tạo, thiếu tác phong chuyên nghiệp.
Do vậy, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc tập trung đào tạo còn cần có chính sách để thu hút, giữ chân nhừng người tài, những chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước.
Vốn đất đai: Đất đai là nguồn lực từ tài nguyên thiên nhiên, có giá trị cao, cần cho công nghiệp hóa và đóng vai trò nguồn lực kép giúp quá trình công nghiệp hóa thành công. Hầu hết các nước G7 đều sử dụng lý thuyết kinh tế cổ điển của Adam Smith và David Ricardo để chuyển nguồn lực đất đai thành nguồn lực tài chính. Đối với Việt Nam, quá trình đầu tư công nghiệp hóa phát sinh chi phí cho đất đai và vốn tài chính cao, làm cho hiệu quả đầu tư không cao.
Giá đất ở Việt Nam quá cao làm tăng chi phí đầu tư đầu vào trong sản xuất hàng hóa, cũng làm suy giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới chính sách đất đai hiện nay là đổi mới cơ chế vốn hóa đất đai, giúp cho chi phí tiếp cận đất đai và huy động vốn đầu tư giảm. Nếu làm thành công, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng cao, DN bớt khó khăn hơn, thị trường hoàn chỉnh hơn, nguồn vốn đất đai được sử dụng hiệu quả hơn.
Vốn huy động qua các ngân hàng thương mại: DN Việt Nam dù đứng giữa rất nhiều nguồn vốn tín dụng ngân hàng (ngắn hạn), vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên, chất lượng huy động vốn của hệ thống ngân hàng còn chưa tốt, huy động tiền gửi tiết kiệm từ 5%/năm đến hiện nay trên 8%/năm tại các ngân hàng thương mại dẫn đến các ngân hàng thương mại cho DN vay với mức lãi suất xoay quanh từ 9%/năm với trên mức cao nữa đã làm giảm sức cạnh tranh của DN trong nước so với các DN quốc tế (họ chỉ vay xoay quanh từ 3-5%/năm, nhiều nước tiên tiến khác như Nhật Bản, Đài Loan... mức lãi suất DN vay chỉ xoay quanh từ 1-3%/năm). Do lãi suất vay cao nên chi phí kinh doanh của DN tăng cao. Chi phí đầu vào tăng đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Đây là yếu tố mang tính quyết định làm thấp năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam.
Vốn qua thị trường chứng khoán: Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam mạnh mẽ giúp DN Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tạo điều kiện để DN huy động vốn lành mạnh. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam còn bộc lộ nhiều bất cập; việc phát hành trái phiếu DN còn chưa chặt chẽ, nhiều quy định còn sơ hở dẫn đến một vài DN lợi dụng vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường; nguy cơ bong bóng giá tài sản; hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu khi số lượng, tần suất giao dịch ở mức cao...
Mặc dù luật chứng khoán đã được ban hành có hiệu lực, với nhiều nghị định, thông tư liên quan đã được thực hiện, Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán cần hoàn thiện hạ tầng pháp luật giúp phát hành trái phiếu DN đúng quy định, chặt chẽ, đồng thời không hình sự hóa những quan hệ kinh tế, dân sự, tạo điều kiện cho DN làm ăn chân chính phát triển mạnh mẽ.
Các nguồn vốn khác: Bao gồm vốn ODA, vốn FII; nguồn kiều hối của đồng bào Việt Nam tại nước ngoài; nguồn vốn đầu tư FDI (trực tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam). Trong đó, nguồn vốn ODA có xu hướng giảm đi, thay vào đó là đất điều kiện vay gần với các khoản vay thương mại.
Vốn thu từ hoạt động của các DN phát triển và ngân sách: Với quy mô dân số và so với các quốc gia khác của thế giới như Thái Lan, Israel, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Mỹ... Việt Nam cần ít nhất 2 triệu DN kinh doanh có hiệu quả. Quan trọng nhất là sử dụng nguồn vốn đầu tư DN, Nhà nước không phải hoàn trả và không phải đóng phí; trong khi sử dụng các nguồn vốn khác như ngân hàng, chứng khoán... phải hoàn trả và tốn phí rất cao.
Cải cách hành chính là công việc chính của Nhà nước, không phải làm vì giúp DN. Nếu như trước đây muốn đăng ký thành lập DN phải mất hàng chục ngày, bây giờ từ 1-2 ngày có thể làm được là do các đơn vị của Nhà nước đã cải cách hành chính và làm tốt hơn.
Xây dựng và phát triển đội ngũ DN Việt Nam
Cùng với các nguồn vốn, việc xây dựng đội ngũ DN mạnh là vô cùng quan trọng, trong đó phát triển mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất giải pháp hiệu quả nhất để Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Để tạo điều kiện phát triển DN, cần tập trung cho khởi nghiệp và phát triển DN. Trong đó, nhiệm vụ của Nhà nước là đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống chính sách, luật pháp bảo vệ DN làm ăn chân chính; tạo mọi điều kiện để người dân và DN bỏ vốn kinh doanh làm giàu; có chính sách nhất quán khuyến khích khởi nghiệp và phát triển DN. Đây sẽ là lực lượng chủ công xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.
Đặc biệt, trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phải được tăng tốc phát triển. Qua thực tiễn thế giới đã chứng minh, ngày nay DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tạo ra doanh số "khủng" và lợi nhuận rất cao như Amazon, Facebook, Apple, Microsoft... với doanh số hàng nghìn tỷ USD/năm.
Để phát triển DN khởi nghiệp, cần tạo môi trường thuận lợi, cơ chế thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sự ra đời và phát triển các DN đổi mới sáng tạo nơi các DN, cộng đồng khởi nghiệp, các tổ chức đoàn thể chính trị, hội nghề nghiệp như Hội Doanh nhân Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ ở các địa phương, Hội Sinh viên Việt Nam...
Với xu thế hiện nay của thế giới và những kinh nghiệm xây dựng các đại học khởi nghiệp ở các nước phát triển đang là giải pháp tham khảo, học hỏi nhằm phát triển DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhanh nhất, ít tốn kém và hiệu quả nhất.
Để phát triển DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần định hướng xây dựng các trường cao đẳng và đại học trở thành đại học khởi nghiệp; đào tạo tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp; đào tạo ứng dụng thực hành gắn kết với các DN; tổ chức xúc tiến thương mại hóa các sản phẩm trong nhà trường chuyên nghiệp.
(*) Tác giả là Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Kinh tế (VEC)