Cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực để “vượt cơn gió ngược” trong năm 2023

Trong nước - Ngày đăng : 08:31, 29/12/2022

Tại buổi tọa đàm Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2022, các chuyên gia cho rằng ngoài việc cần những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực để vượt qua những khó khăn trong năm tới.
Cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực để “vượt cơn gió ngược” trong năm 2023

Ngày 27/12/2022, tại Hội trường VCCI TP.HCM đã diễn ra tọa đàm Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2022, với sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia và lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp tham dự.

Tọa đàm Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2022 là sự kiện tiếp nối chuỗi diễn đàn tài chính do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Trước đó, vào tháng 5 và tháng 6 tại Hà Nội và TP.HCM cũng đã diễn ra các buổi tọa đàm với những chuyên đề như “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững”; “Đầu tư Tài chính 2022: Cơ hội trong biến động của thị trường chứng khoán”; “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới”; “Dự báo kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp vượt sóng”.

Năm 2023, triển vọng kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều biến động, phức tạp khó lường. Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 9/2022 đã cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái có thể kéo dài ở năm 2023 và lâu hơn nữa. WB dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

-1562-1672225348.jpg

Buổi tọa đàm Dự báo kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2022

WB cũng cho rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng điều chỉnh vào 2023. Những thách thức của kinh tế Việt Nam sẽ bị chi phối bởi suy thoái đình lạm của các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào các thị trường lớn và tương ứng là tác động của các biến động lãi suất từ các nước lớn, biến động ngoại hối. Đồng thời, tác động của thị trường vốn do bất ổn, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu xáo động đang khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn thanh khoản và bế tắc vốn đầu tư kinh doanh, áp lực trả nợ trái phiếu 2023 tiếp tục nặng gánh…

Do đó, tọa đàm Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió nghịch” 2023 là sự kiện được tổ chức nhằm mục đích có được những cơ sở dữ liệu, thông tin sát gần nhất để các diễn gia, chuyên gia, doanh nghiệp… nhận diện được bức tranh kinh tế, các thị trường trong, ngoài nước trong năm tới; từ đó chủ động các kịch bản ứng phó, khơi thông nguồn lực nhằm tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu - đầu tư - chi tiêu, giữ vững các trụ cột tăng trưởng GDP.

Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các chủ trương, chính sách của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực để “vượt cơn gió nghịch”, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.

Theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, bên cạnh những khó khăn từ vĩ mô toàn cầu và sự ảnh hưởng tới Việt Nam, thuận lợi và cơ hội của Việt Nam trong 2022 là đã kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính; kiểm soát tỷ giá và lạm phát, kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam tiếp tục thu hút FDI và lợi thế xuất khẩu do xu thế chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực; và các lợi thế nội tại về cải tiến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và ổn định kinh tế.

Ngoài ra, Nhà nước đã kiểm soát và giải quyết gốc rễ việc cung ứng vốn dưới chuẩn và đầu cơ của thị trường bất động sản; từng bước đưa thị trường bất động sản về sự thiết thực và ổn định. Điều này giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế thực và các công ty sản xuất xuất khẩu, là động lực quan trọng để kinh tế nội địa phát triển.

Đức An