Chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên đạt nhiều kết quả tích cực
Trong nước - Ngày đăng : 09:32, 29/12/2022
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thêm, TP.HCM luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và hoạt động kinh doanh tại thành phố và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cam kết tiếp tục cùng với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các bộ, ngành trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
"Đối với từng nội dung hợp tác cụ thể giữa TP.HCM với từng địa phương; về phía TP.HCM sẽ phân công cụ thể các đồng chí trong Thường trực UBND và các sở, ngành liên quan chủ trì để xây dựng kế hoạch cụ thể, thực chất, góp phần phát huy tiềm năng của các địa phương vào sự phát triển chung của khu vực, của từng địa phương và của cả nước", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, UBND TP.HCM và 5 tỉnh Tây Nguyên đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển song phương giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của chương trình hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng.
Cụ thể, TP.HCM sẽ hợp tác với Lâm Đồng để phát triển ngành dịch vụ du lịch, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao và liên kết tiêu thụ nông sản. Trong khi đó, năng lượng tái tạo, công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa là những lĩnh vực trọng tâm trong chương trình hợp tác giữa TP.HCM và Đắk Lắk.
Gia Lai và Kontum sẽ là điểm đến của những dự án về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, với những lợi thế sẵn có của hai địa phương này, hướng đến việc hình thành các khu du lịch sinh thái, gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
TP.HCM cũng sẽ hợp tác với Đắk Nông thu hút nhà đầu tư phát triển ngành du lịch, liên kết trong tiêu thụ, chế biến nông sản chủ lực của địa phương này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các địa phương |
Trong những năm qua, TP.HCM và 5 tỉnh Tây Nguyên đã ký kết và triển khai nhiều chương trình, hợp tác đạt được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông lâm thủy sản, du lịch, y tế, giáo dục.
Các doanh nghiệp tại TP.HCM quan tâm đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên nhiều dự án với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk thu hút 50 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng, Đắk Nông có 27 dự án với số vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng, Kon Tum có 9 dự án với 542 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng có 146 dự án với tổng vốn đăng ký 23.400 tỷ đồng, Gia Lai thu hút 43 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 50.000 tỷ đồng.
Vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, Tây Nguyên cũng còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp.