Văn hóa kinh doanh: Nền tảng của phát triển kinh tế bền vững
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 06:00, 29/12/2022
Thực tế cho thấy, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ... song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần.
Trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo như hiện nay, văn hóa kinh doanh càng thể hiện rõ vai trò "trụ đỡ”, "lực đẩy" quan trọng, giúp DN vượt qua khó khăn và thách thức, phục hồi và tiếp tục phát triển bền vững.
Tính đặc thù của văn hóa kinh doanh được tạo ra từ doanh nhân - người sáng lập, chủ sở hữu, người đứng đầu hoặc cổ đông lớn giúp DN hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận. Văn hóa của doanh nhân - người đứng đầu chính là văn hóa liêm chính, bao gồm có ba phẩm chất: tính kỷ luật: kỷ luật với bản thân, với giá trị mình theo đuổi, với mục tiêu của tổ chức; tính tuân thủ: tuân thủ pháp luật, để không bị ngã vào kinh doanh phi văn hóa; tính chính trực: văn hóa liêm chính chính là thứ duy nhất doanh nhân không được ủy quyền, mà phải đi tiên phong, thực thi đầu tiên và trong mọi trường hợp.
Thực hành ESG - Thước đo tính bền vững
Tính bền vững của DN được hiểu là khả năng của DN trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến sự phát triển môi trường, xã hội và kinh tế thông qua những thực tiễn quản trị và sự hiện diện trên thị trường của các DN. Hiện nay, ESG (môi trường - Environment, xã hội - Social, quản trị - Governance) đang được áp dụng để đo lường tính bền vững của một DN. Và trong đó, văn hóa kinh doanh là yếu tố xuyên suốt cả E, S và G:
E - môi trường: Cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề liên quan đến sử dụng không khí, nguồn nước và đất đai; việc sử dụng tài nguyên, các mối quan tâm khác như đa dạng sinh học, phá rừng, tác động từ biến đổi khí hậu cũng thuộc trụ cột này.
S - xã hội: Những hạng mục trong trụ cột này bao gồm cách thức quản lý nhân viên và tuân thủ các quy định về luật lao động; trách nhiệm sản phẩm bao gồm an toàn và chất lượng của sản phẩm; chuỗi cung ứng lao động và các tiêu chí về sức khỏe an toàn, những đóng góp và quan hệ với cộng đồng - đưa sản phẩm, dịch vụ đến với những cộng đồng người kém may mắn...
G - quản trị: Bao gồm quyền của cổ đông, sự đa dạng trong hội đồng quản trị, mức lương thưởng ban giám đốc nhận được và tương quan giữa lương thưởng gắn với tính bền vững của công ty, hành vi và đạo đức kinh doanh, các vấn đề chống tham nhũng và cạnh tranh không lành mạnh.
Xây dựng "ngân hàng" tín nhiệm
Văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp DN tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp DN ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách. Điều này có thể thấy rõ ràng trong những thời kỳ khủng hoảng, gần đây nhất là thời kỳ đại dịch Covid-19. Trong hành trình xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa kinh doanh, bản thân người chủ DN - doanh nhân sẽ tạo dựng "ngân hàng" của sự tín nhiệm với các bên liên quan, hay trong kinh doanh vẫn thường nói là giữ "chữ tín".
Có hai thuộc tính của sự tín nhiệm đặc biệt quan trọng.
Thứ nhất, sự tín nhiệm là trao đổi hữu hình của giá trị. Sẽ không có "chữ tín" nếu không tách biệt từng cá nhân riêng biệt. Nhưng khi xem xét trong hệ sinh thái các mối quan hệ: khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên, nhà đầu tư, các thành viên... thì giá trị của "chữ tín" được thể hiện rất rõ ràng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, "chữ tín" mang lại nhiều kết quả tốt đẹp như tăng trưởng kinh tế và tăng giá trị cho cổ đông; thúc đẩy quá trình cải cách, mang lại sự ổn định lớn hơn cho cộng đồng và tăng cường sức khỏe DN.
Thứ hai, tín nhiệm có thể vun đắp qua hành động - đây là một đặc tính chỉ có ở con người và liên quan đến con người; đa chiều. Niềm tin được nuôi dưỡng và xây dựng giữa các bên liên quan theo 4 khía cạnh: thể chất, cảm xúc, tài chính và số hóa. Tín nhiệm bắt nguồn từ cấp độ giữa các cá nhân với nhau. Ví dụ, Covid-19 khiến các bên liên quan trở nên nhạy cảm hơn cả 4 phương diện, theo đó tạo ra những cơ hội để vun đắp hoặc đạp đổ ngân hàng tín nhiệm.
Văn hóa kinh doanh hay kinh doanh có văn hóa là không làm cái lợi bằng mọi thủ đoạn, mà làm cái lợi gắn chặt với cái đúng và cái đẹp. Nhưng văn hóa kinh doanh này cần được phản ánh qua số liệu, thông tin công khai và minh bạch với các bên liên quan trong hành trình phát triển bền vững của DN trên ba trụ cột ESG: môi trường, xã hội và quản trị.
Theo đó, DN cần gắn cam kết bảo vệ môi trường, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vào trong văn hóa và chiến lược kinh doanh của mình, khi vấn đề khí hậu, môi trường không còn là mối quan tâm của những quốc gia phát triển, mà là báo động cho toàn cầu. Cam kết này là một phần trong văn hóa kinh doanh và các doanh nhân cần đưa vào thực hành.
Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 và đã ban hành Quyết định 687/Đ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Do vậy, các DN cần hành động ngay hôm nay.
Tuy việc gắn tư duy phát triển bền vững với môi trường, khí hậu có vẻ như là yêu cầu tuân thủ, nhưng thực tế lại chính là cơ hội thị trường mới để DN bứt phá. Đây chính là thời điểm DN đi trước đón đầu, thông qua các lựa chọn phát triển bền vững như sử dụng nguyên vật liệu bền vững hơn hoặc phát triển ra sản phẩm mới thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, yêu cầu đối tác, nhà cung cấp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững hiệu quả hơn... Đây là một góc nhìn mới về văn hóa kinh doanh.
Đa dạng và bao trùm là một khái niệm không còn xa lạ với DN Việt Nam, đặc biệt các công ty đang theo đuổi hành trình phát triển bền vững. Tính bao trùm và đa dạng được thể hiện khi DN tạo tác động thúc đẩy sự phát triển của xã hội, xây dựng mạng lưới của các bên liên quan như đối tác, nhà cung ứng, khách hàng, đặc biệt là nhóm yếu thế.
Thực thi trách nhiệm xã hội thể hiện cam kết và trách nhiệm của DN trong sự đồng hành cùng xã hội - đây là một thành tố để đo giá trị cống hiến của các DN với cộng đồng, đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố phát triển kinh tế gắn với tuân thủ, đạo đức kinh doanh, với sự phát triển an toàn của cộng đồng xã hội và giảm tác động tới môi trường. Đó là những minh chứng sinh động cho thấy rằng, trách nhiệm xã hội cũng là một nét đẹp của đạo đức doanh nhân, của văn hóa kinh doanh gắn với phát triển bền vững trong nền kinh tế.
(*) Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam