Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 30/12/2022

Có thể thấy khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay gồm khối lượng phát hành sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại...
Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhiều quy định về TPDN lùi thêm một năm sẽ "dễ thở" hơn đối với doanh nghiệp.

Ngày 13/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1163/CĐ-TTg về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường TPDN hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Chính sách từ phía cơ quan quản lý

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường TPDN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành TPDN, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023. Yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để có các biện pháp giải quyết hợp lý.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153 năm 2020 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị năm 2024 mới thực hiện quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức giãn thời gian thực hiện trong vòng một năm so với quy định hiện nay, nhằm giúp thị trường trái phiếu có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy được thời gian 180 ngày.

Theo Nghị định 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền vay.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời gian thực hiện một năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định 65, do trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, trường hợp doanh nghiệp (DN) phải xếp hạng tín nhiệm sẽ mất một thời gian đáng kể và tăng thêm chi phí phát hành. Cơ quan này cũng đề xuất cho phép DN phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. 

Một sửa đổi quan trọng khác là đề nghị việc cho phép những trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn để giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024.

Nỗ lực từ phía DN

Có thể thấy khó khăn của thị trường TPDN hiện nay gồm khối lượng phát hành sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, DN có khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán nợ đến hạn và huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh. 

Thống kê cho thấy, giá trị trái phiếu được DN mua lại trong 11 tháng qua là 160.653 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy sự chủ động của chính DN trong đảm bảo cam kết và khôi phục niềm tin từ thị trường.

Riêng trong tháng 11, DN ngành xây dựng, bất động sản cũng đã chủ động mua lại 3.960 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Trong năm 2023, sẽ tiếp tục có khoảng 308.622 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tạo sức ép lớn đối với DN trong bối cảnh nhiều kênh huy động vốn đang bị tắc nghẽn.

Để tăng niềm tin cho trái chủ, đơn vị cũng đã phải bổ sung thêm nhiều tài sản đảm bảo như bất động sản, quyền sử dụng đất và các tài sản khác trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ngắn hạn, làm sao giải tỏa áp lực đáo hạn của DN phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp trước mắt nhằm ổn định thị trường.

Với nỗ lực mua lại trái phiếu trước hạn của nhiều DN, theo số liệu cập nhật mới nhất của FiinRatings, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn đến hết năm nay chỉ còn ở mức gần 22.000 tỷ đồng. Con số được đánh giá là không còn nhiều lo ngại với DN.  

Gia Lê