Nhân lực ngành du lịch: Cần 40.000, chỉ có 20.000
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 00:16, 31/12/2022
Ảnh: Internet |
Năm 2030 cần hơn 1 triệu nhân lực
Mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ có 20.000 lao động, đa số là lao động phổ thông. Theo Tổng cục Du lịch, đại dịch Covid-19 đã khiến 43,66% số lao động có thâm niên 5-10 năm, 23,56% là người có thâm niên trên 10 năm phải chuyển nghề.
Số lượng hướng dẫn viên chuyển nghề lên đến hơn 70%, bao gồm cả những người biết 2-3 ngoại ngữ. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã khiến trên 95% doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải đóng cửa, ngưng hoạt động.
Trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp, với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo. Sau dịch, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 70.000 phòng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú mới được hơn 30.000 người, nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.
Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000-1,05 triệu phòng lưu trú và đến năm 2030 cần 1,3-1,45 triệu phòng. Như vậy, năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022-2030 trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch thể hiện rất rõ trong chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ nộp hồ sơ đăng ký của các trường đại học những năm qua. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo đã dẫn đến cạnh tranh nhau trong tuyển sinh. Do còn tâm lý e ngại ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sự bấp bênh trong nghề nghiệp, năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh chỉ bằng 50% so với năm 2019.
Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng không chỉ khối ngành du lịch, năm 2021 là năm đầu tiên sau nhiều năm không hoàn thành được mục tiêu tuyển sinh. Năm 2022, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp không đạt mục tiêu đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021).
Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 31.420.703 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025 thì tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Ảnh: Internet |
Doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Bà Trần Thị Hải Vân - Phó tổng giám đốc Le Palmier Hồ Tràm Resort cho biết, hầu hết nhân sự tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp khi được phỏng vấn đều thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn, không được như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Trong khi cả nước hiện có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề. Số lượng lao động qua đào tạo trường lớp được tăng lên hằng năm, song chất lượng chuyên môn lại chưa được cải thiện nhiều.
Chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên sâu của từng bộ phận, trong quá trình phục vụ vẫn còn mắc sai sót, tỷ lệ khách hàng phàn nàn về chất lượng còn khá cao, lượng khách quay trở lại rất thấp. Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng chỉ ra, dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng nhưng điều đáng buồn là có đến 90% lần đầu tiên tới Việt Nam, số du khách quay lại các điểm du lịch rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6%.
Để khắc phục những thiếu sót và "lỗ hổng" của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp như VinPearl, Sun Group, FLC, Sheraton, Pullman, InterContinental, Saigontourist, NovaGroup, CT Group... đã tự mở trường hay liên liết đào tạo với các trường đại học uy tín để đào tạo và cung ứng nguồn lao động chất lượng theo đơn "đặt hàng" của doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung ứng chất lượng nhân lực phù hợp với quy mô và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp mình.
Cùng với đó, cũng có một số ít doanh nghiệp đã chủ động hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục để tự đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cho mình. VinUni, SunGroup, FLCGroup, Saigontourist, NovaGroup, Vietravel... là điển hình của những doanh nghiệp đi đầu trong việc mở trường lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ lao động phục vụ sự đa dạng trong quy mô, từ kinh doanh khách sạn - nhà hàng đến dịch vụ lữ hành, cung ứng hàng vạn lao động mỗi năm cho doanh nghiệp mình.
Ảnh: Internet |
PGS-TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội nhận định: "Đào tạo và phát triển nguồn nhân du lịch chất lượng cao có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch, đặc biệt trong định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đào tạo và phát triển thiết thực về cơ chế chính sách, bồi dưỡng và đào tạo lại, truyền thông thay đổi nhận thức, liên kết hợp tác, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch mạnh, chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, xây dựng cơ sở đào tạo du lịch chuẩn về các nội dung xây dựng chương trình đào tạo và khung đào tạo, đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh đạo du lịch chất lượng cao...
Trong quá trình đào tạo cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người đào tạo và người học, sự phối hợp chặt chẽ với các bên như chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cộng đồng... trong mọi giai đoạn của hoạt động đào tạo".
"Đào tạo trong lĩnh vực du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Điều này cũng đặt ra những chiến lược cụ thể cho các đơn vị, cơ sở đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại Việt Nam. Đó là phải nhanh chóng đổi mới phương thức đào tạo để có thể tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới mở rộng hơn cho sinh viên Việt Nam trong tình hình mới; việc nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cần sự đồng hành của nhà trường - Nhà nước - doanh nghiệp và người dân, trong chú trọng đến đào tạo con người, xây dựng những sản phẩm độc đáo, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và sự chung tay của toàn xã hội. Và để làm được điều đó, chúng ta cần xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam chuyên nghiệp, lành nghề", TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh. |