TP.HCM xuất hiện biến thể phụ XBB của chủng Omicron
Sống khỏe - Ngày đăng : 02:31, 05/01/2023
Công tác do nhóm nghiên cứu Covid-19 của bệnh viện và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện trên 526 bệnh nhân Covid-19 từ ngày 1/7/2022 - 25/12/2022. Trong đó, 67% (tương ứng với 353 ca) bệnh nhân có tải lượng virus phù hợp và được giải mã gene.
Các nhà nghiên cứu thu nhận 336 bộ gene SARS-CoV-2, chiếm 95% trong tổng số 353 mẫu được đem đi phân tích. Kết quả định danh cho thấy sự lưu hành của biến thể Omicron trong 6 tháng cuối năm và một chủng Delta ghi nhận vào tháng 7/2022. Nhóm nghiên cứu cho biết, có sự dịch chuyển từ biến thể phụ BA.5 của Omicrion (trong các tháng 7/9/2022) sang biến thể phụ BA.2.75 (bao gồm biến thể phụ BN.1) trong 3 tháng cuối năm.
Biểu đồ mô tả sự lưu hành các biến thể SARS-CoV-2 ở nhóm bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BVCC |
Ngoài ra, kết quả còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB vào tháng 12/2022 nhưng ở tỷ lệ thấp. Cụ thể là 3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%. Sự dịch chuyển theo thời gian giữa các biến thể phụ của Omicron từ BA.5 sang BA.2.75 trên địa bàn TP.HCM là phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Dựa vào diễn biến dịch Covid-19 thời gian qua và kết quả điều tra huyết thanh vào tháng 9, nhóm nghiên cứu nhận định, tình hình Covid-19 của TP.HCM đang được kiểm soát tốt. Qua đó, thể hiện vai trò của vaccine Covid-19 trong việc bảo vệ bệnh nhân nặng và tử vong.
Việc tầm soát biến thể của SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục được nhóm nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho chương trình ứng phó đại dịch Covid-19 của TP.HCM.
XBB là một biến thể phụ của Omicron, hay còn gọi là chủng BA.2.10, được phát hiện trên thế giới từ tháng 8/2022. Sau đó, XBB đã phát triển thêm các biến thể phụ bao gồm XBB.1 và XBB.1.5.