Thoát vị đĩa đệm: Căn bệnh của giới văn phòng

Sống khỏe - Ngày đăng : 06:00, 10/01/2023

Trong điều kiện môi trường làm việc gắn liền với công việc máy tính, bàn giấy, phải ngồi nhiều và ít vận động, nhiều nhân viên văn phòng dễ dàng mắc các bệnh lý về cơ, xương, khớp. Trong đó, thoát vị đĩa đệm là căn bệnh cơ, xương khớp rất phổ biến trong giới văn phòng hiện nay.

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh văn phòng liên quan đến cơ, xương khớp vô cùng phổ biến. Ở đĩa đệm bị thoát vị, phần bao xơ đĩa đệm sẽ bị mòn hoặc rách khiến nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, chèn ép rễ dây thần kinh qua các lỗ liên hợp trên đốt sống và gây ra hàng loạt cơn đau ở cổ, vai gáy và thắt lưng.

Thống kê cho thấy, khoảng 30% dân số Việt Nam đang gặp phải tình trạng đau lưng, đặc biệt là đau lưng do tổn thương đĩa đệm sau tai nạn lao động, tai nạn giao thông, hoặc đơn thuần là thoái hóa tự nhiên... Đáng lưu ý, thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, phổ biến nhất là từ 30-60 tuổi.

-2973-1673278055.jpg

Nguyên nhân và triệu chứng

Theo TS-BS. Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh thoát vị đĩa đệm như do làm việc, vận động, lao động quá sức hoặc sai tư thế, dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương là nguyên nhân phổ biến ở người lao động. Ngoài ra, việc bị chấn thương ở vùng lưng do tai nạn, thoái hóa cột sống do tuổi tác, hoặc các yếu tố di truyền, các bệnh lý bẩm sinh ở vùng cột sống cũng là những nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Tùy thuộc vào vị trí thoát vị ở cột sống cổ hoặc thắt lưng, người mắc thoát vị đĩa đệm thường có các biểu hiện khác nhau, trong đó đau lưng và tê bì chân tay là hai triệu chứng điển hình nhất. Thông thường, bệnh nhân sẽ có những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, cổ và chân tay khi mắc bệnh, sau đó lan ra vùng vai gáy, chân tay. Cơn đau có thể kéo dài âm ỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng hoặc rất dữ dội, đau nặng hơn khi vận động, đi lại, giảm đi khi nghỉ một chỗ.

Khi gặp phải triệu chứng tê bì chân tay, người bệnh thường đau nhức, tê bì vùng thắt lưng, vùng cổ sau đó dần dần phát triển xuống mông, đùi, bẹn chân và gót chân do nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài chèn ép rễ thần kinh. Người bệnh thường sẽ bị rối loạn cảm giác, luôn thấy mình như bị kiến bò trong người... Lâu dần các triệu chứng trở nặng khiến người khó đi lại và cầm nắm.

Mối nguy hiểm và phương pháp điều trị 

Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh nguy hiểm nếu không chữa trị sớm sẽ để lại những biến chứng nặng nề. Khi các rễ thần kinh nối liền với các cơ quan khác bị tổn thương do đĩa đệm chèn ép, người bệnh sẽ có thể cảm thấy đau nhức, lâu ngày gây khó cử động cổ, tay, chân, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.

Nếu khối đĩa đệm bị trượt và chèn lên dây thần kinh cánh tay, người bệnh sẽ không thể nhấc nổi cánh tay, khó gập duỗi, có thể tê bì hoặc mất cảm giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc lao động và sinh hoạt thường ngày. Khi đĩa đệm chèn ép tủy cổ có thể gây tê liệt và tàn phế. Hoặc khi các dây thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép sẽ dẫn đến đại, tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần, mất khả năng đi lại.

Ở giai đoạn nặng của bệnh, người bệnh khó có thể đi lại vận động, dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt các chi phải ngồi xe lăn.

Theo lời khuyên từ BS. Tăng Hà Nam Anh: “Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm, đầu tiên người bệnh cần được thăm khám lâm sàng để xác định nguyên nhân và vị trí tổn thương. Tùy theo tình trạng, người bệnh được chỉ định tham gia một số xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cộng hưởng từ, CT scan, X-quang cột sống... để đánh giá chính xác bệnh lý”.

Có hai phương pháp chữa bệnh chủ yếu điều trị là bảo tồn và phẫu thuật. Tùy theo tình trạng bệnh lý, cũng như mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động lao động, sinh hoạt và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và có thể kết hợp tập vật lý trị liệu để khắc phục các cơn đau, cũng như hạn chế sự chèn ép các dây thần kinh do sai tư thế trong lao động, sinh hoạt dưới sự trợ giúp của các chuyên viên và kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Khuyến cáo người bệnh không tự lý tập luyện để tránh việc tập luyện sai cách, khiến những tổn thương cột sống trở nên trầm trọng hơn. 

Thảo Minh