Nông sản, hải sản ngoại "ngược dòng" vào Việt Nam

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 13/01/2023

Trái cây, nông sản nước ngoài vẫn đang đổ về Việt Nam khiến thị trường trái cây, nông sản trong nước ngày càng sôi động.

Tại lễ hội ẩm thực Tochigi vừa diễn ra tại TP.HCM nhằm mục đích đưa các loại lê, dâu tây, thịt bò Wagyu vào Việt Nam. Ông Tomikazu Fukuda - Thống đốc tỉnh Tochigi cùng đoàn doanh nghiệp của tỉnh này đã kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành Việt Nam cho phép một số sản phẩm thế mạnh của tỉnh như lê, dâu tây, thịt bò vào Việt Nam. Không chỉ đưa hàng vào Việt Nam, các doanh nghiệp Tochigi muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và sản phẩm lâm nghiệp.  

Trước đó, hồi cuối tháng 10/2022, tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) cũng đã đưa nông sản cao cấp của Hàn Quốc tới thị trường Việt Nam. Ông Lee Cheol Woo - Chủ tịch tỉnh Gyeongsangbuk-do cho biết, muốn đưa những mặt hàng nông sản nổi bật của Hàn Quốc như nho mẫu đơn, táo, lê... đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Và trong thời gian tới sẽ đưa thêm các loại dâu, táo cao cấp đến phân phối tại hệ thống bán lẻ này.   

Trong đánh giá cao thị trường tiêu thụ 100 triệu dân, mới đây Na Uy đã công bố chính thức có mặt tại Việt Nam. Theo bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, tiềm năng của thị trường Việt Nam rất lớn vì là quốc gia có lượng tiêu thụ hải sản hàng đầu thế giới với 37kg/người/năm. 

-1115-1673246271.jpg

Báo cáo của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) đã chỉ ra, dù Việt Nam là nước xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới, tuy nhiên tiêu thụ hải sản trong nước đang ngày càng tăng cùng với quy mô dân số lớn. Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với các nhà xuất khẩu hải sản Na Uy khi lượng nhập khẩu hải sản Na Uy tại Việt Nam luôn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Ông Asbjorn Warvik Rortveit - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của NSC cho biết, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu khoảng 50.000 tấn. Cá hồi, tôm, nghêu, sò, ốc là các loại hải sản được người Việt yêu thích. Năm 2022, lượng cá hồi Na Uy vào Việt Nam tăng trưởng đến 49% so với cùng kỳ năm trước, các loại tôm, nghêu, sò, ốc tăng trưởng 9% so với năm 2021.

Theo ông Asbjorn Warvik Rortveit, trong năm 2023, NSC sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá để nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết đến hải sản Na Uy. Đơn vị này cũng sẽ tổ chức các chương trình gặp gỡ, kết nối và xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai nước. Không chỉ vậy, trong thời gian tới, NSC sẽ tích cực đồng hành với các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam gia tăng giá trị kinh tế, đồng thời đảm bảo nguồn hải sản Na Uy được bán tại Việt Nam luôn đảm bảo được nguồn gốc và chất lượng.

Bà Hilde Solbakken cũng cho biết, Na Uy muốn hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái biển, từ đó giúp đảm bảo sự bền vững của ngành công nghiệp thủy hải sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp Indonesia cho biết đang tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo các chuyên gia, với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Việt Nam có nhiều lợi thế để đưa hàng hóa ra nước ngoài. Ở chiều ngược lại, các nước có tham gia các hiệp định thương mại cũng dễ dàng đưa hàng hóa vào Việt Nam. Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản, thực phẩm...

Minh Hào