Doanh nhân Nguyễn An Khương: Chiêu Nam Lầu, khách sạn đầu tiên của người Việt
Chân dung - Ngày đăng : 07:00, 13/01/2023
Chân dung Nguyễn An Khương |
Nguyễn An Khương sinh năm 1860, nguyên quán Bình Định, sau cư ngụ ở Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM). Xuất thân là nhà nho, sống trong gia đình có học và gia giáo lại giỏi nghề làm thuốc Đông y nên ông Khương sớm tinh thông y học, Hán học và chữ Quốc ngữ. Ông mở trường dạy học cho trẻ em tại thị xã Tân An và cùng em trai là Nguyễn An Cư dùng y tài chữa bệnh cho người nghèo ở đất Hóc Môn, kể cả các chiến sĩ cách mạng.
Danh tiếng và tài năng của Nguyễn An Khương lọt vào “mắt xanh” của Trương Dương Lợi - một địa chủ giàu có ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ông Lợi có 10 người con, trong đó bà Trương Thị Ngự là người con gái được ông Lợi yêu thương nhất. Bà Ngự nhan sắc không nổi trội nhưng nết tháo vát, đảm đang nổi tiếng ở xứ Cần Giuộc. Cảm kích danh tiếng về văn chương và đức độ của Nguyễn An Khương, ông Lợi đã gả bà Trương Thị Ngự cho ông.
Vợ chồng ông Khương có với nhau 4 người con là Nguyễn An Thái, Nguyễn An Thường, Nguyễn Thị Năng và Nguyễn An Ninh. Cả 3 người con đầu đều mất sớm, còn lại người con trai út Nguyễn An Ninh - một nhà báo, nhà cách mạng nổi tiếng đất Nam Kỳ, thần tượng của thanh niên An Nam đầu thế kỷ XX và là chủ bút tờ báo Chuông Rè.
Thành lập Chiêu Nam Lầu, khách sạn đầu tiên của người Việt
Năm 1899, ông Khương đưa gia đình lên Sài Gòn lập nghiệp, thuê 2 căn nhà liền nhau trên đường Kinh Lấp (nay là đường Nguyễn Huệ). Sống cùng gia đình ông Khương còn có chị gái ông là bà Nguyễn Thị Xuyên. Bà Xuyên nấu ăn ngon, giỏi may vá, khi cha mất sớm đã từng nguyện không lấy chồng, ở vậy suốt đời phụng dưỡng mẹ già và lo cho hai em trai.
Đầu thế kỷ XX, đường Kinh Lấp (sau đổi thành đại lộ Charner) nằm giữa hai con đường sang trọng là Catinat (Đồng Khởi ngày nay) và de la Somme (Hàm Nghi) với hàng loạt công ty, cửa hàng thuộc ngoại kiều như người Hoa, người Ấn và người Pháp. Các tiệm vải sang trọng thuộc chủ người Ấn, các quán ăn thuộc chủ người Hoa, còn khách sạn hầu hết của các ông chủ người Pháp.
Gia đình ông Khương mở một tiệm may nhỏ lấy tên Chiêu Nam Lầu, do bà Xuyên cùng em dâu là bà Ngự điều hành. Cái tên Chiêu Nam Lầu do hai bà đặt có ngụ ý sâu xa là nơi chiêu hiền đãi sĩ của người Việt Nam, nơi gặp gỡ anh hùng hào kiệt cả nước, nơi tá túc của những nhà yêu nước Bắc, Trung lưu lạc vào Nam, nơi giúp đỡ phương tiện, tiền bạc cho những thanh niên yêu nước xuất dương trong phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục.
Nhờ tài may quần áo của bà Xuyên và bà Ngự, danh tiếng của tiệm may Chiêu Nam Lầu ngày càng lan rộng, đến mức vua Thành Thái trước ngày bị lưu đày sang đảo Reunion đã bí mật đến may cả chục chiếc áo dài gấm. Số lượng khách đặt may ngày càng nhiều, phần lớn là các điền chủ, thương gia từ Lục tỉnh lên Sài Gòn. Thấy họ có nhu cầu nghỉ đêm, ông Nguyễn An Khương cho sửa chữa các phòng tầng trên làm khách sạn.
Từ một tiệm may nhỏ, Chiêu Nam Lầu ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh. Dưới sự quản lý và điều hành của gia đình ông Khương, Chiêu Nam Lầu nhận được sự mến mộ trong giới điền chủ, thương gia khắp Lục tỉnh và vùng Sài Gòn - Chợ Lớn nên sớm phát đạt, nổi tiếng khắp Nam Kỳ.
Chiêu Nam Lầu, nơi anh hùng hội tụ
Chiêu Nam Lầu trở thành điểm dừng chân và tá túc của rất nhiều người Việt và trở thành khách sạn đầu tiên do người Việt quản lý và điều hành trên đất Sài thành, nơi có những món ăn Nam Bộ được nhiều người Lục tỉnh khen ngợi.
Không chỉ giới điền chủ, thương gia, nhiều nhà yêu nước, những trí thức tiến bộ cũng thường lui tới Chiêu Nam Lầu và kết bạn với Nguyễn An Khương. Trong số đó phải kể đến Trần Chánh Chiếu - điền chủ Rạch Giá, lãnh đạo phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ, chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn; ông Nguyễn Thần Hiến - điền chủ Cần Thơ, nhà cách mạng tiên phong của phong trào Đông Du ở miền Nam. Đến năm 1900, ông Khương được Trần Chánh Chiếu mời cộng tác trên hai tờ báo của ông.
Dãy nhà bên trái khách sạn Chiêu Nam Lầu |
Tuy là một nhà nho tham gia kinh doanh, ông Khương cùng Trần Chánh Chiếu đã thay đổi tư duy kinh tế của người Việt. Theo nhà văn Sơn Nam, ông Khương đã “quyết rửa hổ, không sợ mang danh chú bán cơm” bằng việc viết bài quảng cáo mô tả hoạt động của Chiêu Nam Lầu trên báo Lục Tỉnh Tân Văn số 8 (ngày 2/1/1908) như sau:
“Tiệm này có 3 từng (tầng - TG), từng dưới thì bán cơm canh, cá thịt nấu theo cách An-nam và cách Tàu, lại có bán trà phe (cà phê) bánh mì, bánh bao và các thứ bánh điểm tâm, từng giữa thì các vật trân tu mĩ vị nấu theo cách An-nam và cách Tàu... các thứ bánh Tàu, bánh An-nam và trà ngon đặng cho liệt vị điểm tâm lúc sớm mai và giải muộn lúc ban trưa, còn từng trên chót thì dọn phòng ngủ đặng cho các vị phương xa đến đó mà nghỉ”, Sơn Nam, Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam - miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân, NXB Trẻ, trang 202.
Vào những năm 1907-1908, trong bối cảnh phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu phát động lan rộng khắp Nam Kỳ, các khách sạn do người Việt thành lập học theo Chiêu Nam Lầu của Nguyễn An Khương xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, Chiêu Nam Lầu cùng với Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho và Nam Trung khách sạn trên đường Amiral Krantz (nay là đường Hàm Nghi), Sài Gòn là 3 khách sạn nổi tiếng nhất xứ Nam Kỳ do người Việt điều hành. Đây là 3 cơ sở kinh doanh và hoạt động cách mạng nổi tiếng với tổ hợp phòng nghỉ và nhà hàng (Nam Trung khách sạn và Minh Tân khách sạn) và tổ họp phòng nghỉ, nhà hàng và tiệm may (Chiêu Nam Lầu), trực tiếp cạnh tranh với các tiệm ăn của người Ấn, người Hoa và các khách sạn của người Pháp tại Sài Gòn và Mỹ Tho.
Bộ ba Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến đã đưa Chiêu Nam Lầu trở thành cơ sở kinh doanh của phong trào Đông Du và là nơi hội họp, đưa rước các thanh niên xuất dương sang nhiều nước học tập từ năm 1904. Theo nghiên cứu của Nguyễn Hiến Lê: “Cụ Khương có hai người em gái cũng nhiệt tâm với quốc sự và đều có tên là cô Năm: cô Năm ta em ruột của cụ, quản lý Chiêu Nam Lầu ở đường Kinh Lấp cũ, sau đổi là đường Charner, bây giờ là đường Nguyễn Huệ; và cô Năm tây (chắc là em họ của cụ) có tiệm may ở đường Espagne (Lê Thánh Tôn), chồng là ông Perrot, một người Pháp có chân trong hội Tam Điểm (Franc maconerie)” Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, NXB Lá Bối, 1967, trang 128-129.
Khi Sào Nam Phan Bội Châu bí mật vào Sài Gòn, cụ đã tá túc ở Chiêu Nam Lầu, ông Khương đã tổ chức cho cụ Phan gặp gỡ nhiều điền chủ yêu nước như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến. Thông qua cuộc gặp gỡ này, một đường dây bí mật đưa những người yêu nước xuất dương sang Nhật Bản học về kỹ thuật quân sự, số ít sang Trung Quốc mua vũ khí được hình thành tại Chiêu Nam Lầu.
Cụ Phan Chu Trinh cũng từng tá túc tại Chiêu Nam Lầu một thời gian sau khi rời Pháp về Việt Nam cùng Nguyễn An Ninh vào tháng 6/1925. Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh kết thân với ông Khương và qua đời tại Chiêu Nam Lầu tối ngày 24/3/1926 ở tuổi 54. Cụ Nguyễn Sinh Huy (Sắc) cũng từng ở Chiêu Nam Lầu và được ông Khương giúp đỡ tiền bạc. Đáng chú ý nhất là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cũng từng đến trọ tại Chiêu Nam Lầu. Theo Nguyễn Hiến Lê: “Bà Perrot lúc đó góa chồng, sống với hai người con trai đều có Pháp tịch. Bà đón Kỳ Ngoại Hầu về ở Chiêu Nam Lầu, rồi mướn ghe đưa Hầu xuống Mỹ Tho, lên Tân Châu” Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr.129. Ngoài ra, những ai muốn tìm đường Đông Du mà gặp khó khăn về tiền bạc, đều được Chiêu Nam Lầu giúp đỡ nhiệt tình.