Lễ cấp sắc độc đáo của người Dao Đỏ
Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 14/01/2023
Toàn cảnh lễ đàn ngoài trời trong lễ cấp sắc 12 đèn |
Vào những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, chúng tôi nhận được lời mời của một anh bạn người Yên Bái hẹn lên xem lễ cấp sắc 12 đèn vô cùng độc đáo của người Dao Đỏ. Buổi sáng, mọi người khởi hành từ Hà Nội đến bản Làng Cò, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, Yên Bái cho kịp xem lễ cấp sắc diễn ra từ chiều tối cùng ngày.
Gió rét căm căm của mùa Đông Tây Bắc làm cho người đi đường như tê cứng. Sau hành trình dài vượt núi, leo đèo, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cái đích Làng Cò. Trời đã nhá nhem tối, mọi người tìm được nhà ông Đặng Kim Thọ - chủ nhân đứng ra tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn.
Nhóm “cô dâu” đi thành hàng ra lễ đàn |
Mới bước vào, chúng tôi đã vô cùng bất ngờ khi được xem ngôi nhà sàn treo đầy bức tranh thờ bên vách. Những bức tranh thờ vẽ thần linh, tiên phật, thổ địa... bằng nhiều sắc màu, nhìn vô cùng bắt mắt. Theo ông Thọ, đây là loại tranh thờ truyền thống của người Dao Đỏ đã có từ hàng trăm năm trước. Cùng với tranh thờ, ngôi nhà tổ chức nghi lễ cấp sắc 12 đèn còn được trang hoàng bằng nhiều loại giấy màu, vải màu rực rỡ.
Dưới khu bếp, ánh lửa bập bùng dần xua tan đi cái lạnh giá miền núi rừng. Nhóm phụ nữ cả già lẫn trẻ, vừa ngồi nấu ăn vừa bàn tán rôm rả về lễ cấp sắc hôm nay. Thấy chúng tôi tò mò về chuyện cấp sắc, một bà lão cao niên cho biết: “Theo truyền thống từ xa xưa, người đàn ông Dao Đỏ trong cuộc đời đều phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 đèn, 7 đèn cho đến bậc cao nhất là 12 đèn. Đây là một nghi thức ghi nhận người đàn ông, con trai Dao Đỏ đã chính thức trưởng thành. Ai không làm lễ được cấp sắc thì dù có già vẫn bị mọi người coi như đứa trẻ”.
Trong căn phòng đằng sau ngôi nhà ông Thọ là những người phụ nữ Dao Đỏ ăn vận vô cùng lộng lẫy. Họ mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của người Dao Đỏ. Đặc biệt, chúng tôi ấn tượng với chiếc mũ đội cao trên đầu, thêu hoa văn, đính các đồng bạc, hạt châu, hạt ngọc vô cùng đẹp đẽ. Trên cổ họ còn đeo nhiều chiếc vòng bạc ấn tượng
Ông Thọ cho biết đây là những “cô dâu” - cách gọi người phụ nữ sẽ tham gia vào các nghi thức trong buổi lễ cấp sắc. Các “cô dâu” này phải ở yên trong một phòng khi nghi thức cấp sắc diễn ra. Họ chỉ được ra ngoài lúc ăn cơm và phần nghi thức tế đàn ngoài trời. Còn những người con trai, đàn ông - nhân vật chính được làm lễ sẽ gọi là “trò”.
Nghi thức cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ thường có sự tham gia, chứng kiến của hàng trăm người dân bản địa và các vùng lân cận. Ông Thọ - người đứng ra tổ chức năm nay cho biết thêm, có từ 30-50 người đàn ông từ trẻ đến già sẽ được làm lễ công nhận trưởng thành (người Dao Đỏ gọi là lễ “lập tịnh”).
Một bé trai được được chỉnh sửa trang phục trước khi làm lễ đàn ngoài trời |
Khi mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, buổi lễ cấp sắc 12 đèn chính thức diễn ra. Nhóm thầy cúng uy tín nhất vùng sẽ tề tựu về gian nhà làm lễ chính. Họ lần lượt thi triển các nghi thức như bài múa rùa, đi quanh gian nhà rung chuông đọc văn khấn cổ, dâng đèn (những ngọn nến) trước nhóm người đàn ông (trò) được làm lễ.
Tìm hiểu về nội dung những bài văn tế cổ chữ Hán được các thầy cúng đọc chúng tôi biết đại ý chúng nói về truyền thuyết của người Dao Đỏ bắt đầu định cư trên vùng đất này. Sau đó, ma quỷ xuất hiện phá hoại mùa màng, vật nuôi khiến người Dao Đỏ bị quấy nhiễu, gặp họa. Thấy tình cảnh hiểm nguy, Ngọc Hoàng đã sai các vị thần xuống truyền phép thuật cho những người đàn ông trụ cột trong gia đình, làng bản. Đàn ông sẽ được cấp một đạo sắc để cùng các vị thần trừ tà diệt quỷ mang lại bình yên, ấm lo cho mọi người. Từ truyền thuyết ấy, mà nghi thức này được gọi là lễ cấp sắc.
Trong suốt buổi lễ các nghi thức, vũ điệu vô cùng độc đáo, lạ lẫm khiến chúng tôi trầm trồ, không rời mắt phút nào. Đặc biệt từ thầy cúng cho đến nhóm các “trò” được làm lễ đều ăn vận những bộ trang phục cổ truyền, nhiều màu sắc. Đầu của nhóm “trò” còn đội mũ, quấn dải màu đỏ - đen với nhiều sợi tơ, len buông rủ ấn tượng.
Các “trò” và thầy cúng phối cùng những bức tranh thờ treo kín vách tường đã tạo ra một không gian văn hóa đặc sắc. Phần nghi thức với nhiều bước thường sẽ kết thúc vào lúc đêm khuya. Nhóm người tham gia buổi lễ từ “cô dâu” cho đến các “trò” sau khi ăn uống đều ngủ lại ngôi nhà ông Thọ để buổi sáng hôm sau tiếp tục nghi thức ngoài trời.
Nhiều nghi thức, điệu múa liên tục được diễn ra |
Sáng hôm sau, những “cô dâu” ăn mặc đẹp, đội mũ diêm dúa, bắt đầu đi thành hàng từ ngôi nhà ra lễ đàn ngoài trời. Lễ đàn với bục cao được dựng bằng gỗ ở một khu đất trống, bằng phẳng. Xung quanh lễ đàn có trồng 4 cây tre còn lá, treo dải giấy màu dài kiểu như cây nêu ngày Tết Nguyên đán.
Nhóm các “trò” cùng thầy cúng sẽ đứng trên bục lễ đàn dựng sẵn để thực hiện các nghi thức. Còn nhóm “cô dâu” đứng bên dưới như để phụ họa cho buổi lễ. Trước khi lên bục, thầy cúng sẽ đọc bài tế đăng đàn. Sau đó trên bục lễ, là các nghi thức cầu khấn thần tiên, trời đất chứng giám được diễn ra. Đặc biệt là nghi thức trao đạo sắc (hay còn gọi là trao ấn) cho những “trò” và “cô dâu” được làm lễ.
Nghi thức thực hiện trong nhà buổi tối và lễ đàn ngoài trời ban ngày tạo thành buổi cấp sắc 12 đèn hoàn chỉnh. Theo một vị thầy cúng có uy tín trong vùng Nậm Mười cho biết, thì nghi thức thường được làm vào dịp cuối năm, Tết đến Xuân về, ngoài việc công nhận trưởng thành cho người đàn ông Dao Đỏ thì còn nhiều ý nghĩa khác. Nó như buổi lễ tổng kết một năm của các bản làng Dao Đỏ. Mọi người cầu khấn để xua đi như những vận xui, điềm dở, cầu mong điều tốt lành, bình yên vào năm mới.
Các “cô dâu” dùng bữa cơm cùng nhau |
Theo thông tin chúng tôi có được, lễ cấp sắc 12 đèn của các dòng họ người Dao Đỏ ở Văn Chấn, Yên Bái đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2012. Ngoài các bản Dao Đỏ ở Văn Chấn, Yên Bái, thì hiện nay du khách có thể xem buổi lễ cấp sắc 12 đèn ấn tượng này ở các bản người Dao Đỏ, Dao Tiền tại Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai... vào dịp cuối năm.