Ăn Tết ở Sài Gòn: Tết cũ Tết mới theo thời hợp thế

Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 15/01/2023

Người Sài Gòn ăn Tết cũng lạ. Không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có cái nếp ăn Tết giao hòa giữa truyền thống xưa cũ, nhưng cũng cách tân đổi mới theo thời thế như người Sài Gòn.
Ăn Tết ở Sài Gòn: Tết cũ Tết mới theo thời hợp thế

Len lỏi trong các xóm nhỏ thị thành vẫn còn những nồi bánh tét của người miền Nam, hay bánh chưng của người miền Bắc, dẫu bây giờ ít hơn xưa vì các loại bánh mứt, thực phẩm Tết đã được bày bán trong siêu thị, chợ rất nhiều. Nhưng để kiếm một con hẻm nhỏ những ngày cuối chạp nồng nàn mùi khói bếp, lửa reo bánh chín thơm phức thì cứ chạy vào các hẻm nhỏ khu Tân Phú, Lũy Bán Bích, Độc Lập, nơi đó phần lớn là người Bắc định cư và sống quây quần nên dễ dàng tìm được phong vị Xuân đất Bắc.

Hay như câu chuyện người Bắc tìm đến những khu chợ riêng biệt bán các mặt hàng Tết được chuyển thẳng từ Bắc vào thì cứ nhắm thẳng chợ Đo Đạc (Q.2), hoặc các cửa tiệm nằm dọc các con đường Chu Mạnh Trinh (Q.1), Trần Quốc Toản (Q.3), Ông Tạ (Q. Tân Bình), Hòa Hưng (Q.10), Xóm Mới (Q. Gò Vấp), Chu Văn An (Q. Bình Thạnh). Cứ hễ thấy hàng quán nào bày kẹo lạc, miến dong với các hũ cà muối, dưa cải thì không cần nhìn biển hiệu cũng biết ngay đó là tiệm bán đồ Bắc. Tầm hai mươi ba tháng chạp trở đi, mấy cửa tiệm lại rộn ràng biết bao đặc sản.

Nếu là dân miền Trung thì tìm về chợ Bà Hoa (Trần Mai Ninh, Q. Tân Bình) mà sắm Tết. Ngôi chợ lâu đời và nức tiếng ở Sài thành bởi hầu hết tất cả món miền Trung, nguyên liệu chuẩn nhất đều hiện diện nơi này. Đi chợ Bà Hoa gặp giọng Quảng, nghe giọng Huế, lắm khi cũng thấy giọng Nghệ.

Người miền Trung tha hương vào thị thành này mưu sinh rồi gá hẳn phận mình nơi đây rất nhiều. Những năm không về xứ ăn Tết thì cứ ra chợ Bà Hoa mà đem xứ về nhà. Thứ gì cũng có như bò kho mật mía, thịt heo ngâm mắm, giò bò, tôm chua... cho tới bánh in, bánh thuẫn, bánh lăn, bánh tổ, bánh nổ... Cái thú khi người miền Trung đi chợ Bà Hoa kỳ thực là được gặp lại tiếng quê xứ mình, để thấy giữa thị thành phồn hoa vẫn còn đâu đó một gốc quê để mình bồi hồi ghé đến.

Người Sài Gòn gốc ăn Tết phần lớn theo nếp dân miền Tây bởi tập tục gần gũi và nếp sống gần như giống nhau. Nhưng cái khác nhất mà không nơi nào có được là người Sài Gòn ăn Tết quốc tế hơn. Tết ở mảnh đất này sau những giờ phút chuẩn bị sắm Tết chộn rộn và cúng kiếng nghi lễ, người Sài Gòn thường túa ra đường đi chơi. Tục lệ chúc Tết cũng giản đơn hơn và không cầu kỳ.

Không nhất thiết đêm giao thừa phải ở nhà. Trăm ngàn người Sài thành vẫn tấp nập dạo phố hoa Nguyễn Huệ, muôn ngàn người vẫn phủ kín các bờ sông, cây cầu để chờ màn bắn pháo hoa đẹp mắt. Chùa chiền ở Sài Gòn mở cửa sáng đêm của thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Thấp thoáng trong dòng người áo dài nô nức đi chùa đầu năm, dễ dàng bắt gặp những “ông tây, bà đầm” cũng áo dài Việt Nam thắp hương khấn nguyện.

Đêm giao thừa tại phố tây luôn rộn ràng nhất bởi chính những người ngoại quốc, họ ăn Tết ta một lần và thích thú thêm chục lần như thế. Họ chúc Tết người Việt, họ lì xì như thể dân bản xứ và ăn bánh tét củ kiệu hệt như người Việt mình. Phố tây Bùi Viện mở xuyên đêm cũng chẳng lo bụng đói.

Nếu như những vùng miền tỉnh thành khác, Tết luôn tấp nập người xe sum vầy đông đúc, thì Tết ở Sài Gòn khá thưa vắng. Thành phố với hơn 14 triệu dân thì phần lớn là dân tứ chiếng quá giang một đoạn đời nên ngày Tết họ kéo nhau về xứ, Sài Gòn vì thế vắng. Thêm nữa, dân Sài Gòn bắt đầu có thói quen ăn Tết xa nhà bằng những chuyến du lịch hoặc nói chính xác họ hưởng Tết chứ không còn ăn Tết.

Sau tục lệ “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, người Sài Gòn bắt đầu dẫn nhau đi du lịch. Có người ra nước ngoài để thăm thú vui chơi sau một năm dài mệt mỏi ruổi rong mưu sinh nơi thị thành này. Họ xem những chuyến đi đầu năm như liệu pháp tái tạo năng lượng cho mình. Có người chọn những resort ven biển để khởi hành năm mới với nước ngập tràn bởi theo quan niệm nước là tiền. Cứ vậy mà Tết ở Sài Gòn dần dà nhẹ nhàng và giản tiện, phù hợp thời thế hơn xưa.

-5338-1673244844.jpg

Phần đông người Sài Gòn cũng không trữ đồ ăn Tết như xưa, bởi chỉ chiều mùng 1 Tết là siêu thị, nhà hàng, quán cà phê mở cửa nhộn nhịp lại. Muốn ăn đồ tây, đồ ta hay a-la-cà thì cứ vào các nhà hàng, quán tiệm, đâu đâu cũng có, giá cả có thể nhích lên một ít nhưng đầy đủ mọi món. Ăn Tết ở Sài Gòn quen đó mà lạ đó. Quen vì nếp truyền thống vẫn giữ những tục lệ ngày Tết, nhưng lạ ở chỗ người Sài Gòn luôn cách tân và sống hợp thời.

Càng về những năm sau này, cái Tết ở Sài Gòn như Tết ba miền, Tết quốc tế bởi nhiều người từ các vùng miền, các nước định cư và mang theo văn hóa ẩm thực ngày Tết của họ đến với thành phố này. Tết ở Sài Gòn phong phú, đa dạng và độc đáo hơn bất cứ một cái Tết của nơi nào trên đất nước mình là vì thế. 

Nhà văn Tống Phước Bảo