Gió thổi hương cau, sum vầy vị Tết

Sống khỏe - Ngày đăng : 01:00, 15/01/2023

Mấy cây cau nhà mình bị oi nước. Có được mấy quày, mà nhìn nó cũng hổng ngon, làm mứt sao đặng. Năm sau ba bây bao bờ lên cao, nước hổng ngập, chắc trái nhiều, tha hồ má làm mứt cho tụi bây về ăn...”, giọng chị nhẹ nhàng trả lời với con Trúc khi nó gọi điện thoại về hỏi làm mứt cau ăn Tết chưa.

Ở xóm nhà tôi giờ đỡ rồi, chứ hồi trước mấy ai quan tâm đến việc học hành cho con cái. Mới nứt mắt, cha mẹ đã dựng vợ gả chồng, mười tám đôi mươi, sắp nhỏ đã tay bồng tay bế. Duy chỉ có con Trúc chịu học, dẫu có cực mấy cũng đến trường để tìm con chữ. Học xong đại học, nó lấy luôn chồng người Sài Gòn gốc. Từ hồi sinh con, cũng hai năm rồi có dư, nó chưa về ăn Tết cùng anh chị. 

Nghe gió chướng sòng, nhìn hàng cau kiểng trổ bông, đơm trái, chị lại nói con Trúc thích ăn mứt cau lắm lung, nghe thương quá chừng. Con gái lấy chồng đã thành con người ta, có ngóng trông cũng chỉ là trông ngóng, chị à. Mong là mong vợ chồng nó đề huề hạnh phúc, lâu lâu gọi điện về hỏi thăm tụi mình, thế là vui rồi, tôi hay khuyên chị mỗi khi thấy chị buồn, nhắc nhớ sấp nhỏ.

Chị khéo tay, hay làm. Không biết chị học ở đâu cách làm mứt cau kiểng, vừa ngon vừa lạ miệng. Hồi nẫm, chị mới học làm, cũng trầy trật năm ba lần mới đặng ngon như bây giờ. Nhớ... con Trúc đi học về, thấy má nó lúi húi bên hiên nhà tập làm mứt cau, nó xắn tay làm phụ, trông con nhỏ hăm hở lắm. “Út biết hôn, làm xong con liền ăn thử mấy trái. Vị nó lạ lắm. Vừa cay nồng, vừa ngọt, vừa chát chát, lát sau con say quay mòng mòng luôn”, Trúc cười bẽn lẽn, kể vui với tôi. Bây giờ, mỗi dịp Tết, chị cũng lúi húi làm mứt cau, không có con gái phụ giúp, chỉ có nỗi nhớ như hương cau ngan ngát bay theo gió, như xuôi về nơi xa lắc nào đó, mà thôi.

Mứt cau kiểng, mứt ngon của người miền Tây

Mứt cau kiểng, mứt ngon của người miền Tây

Hôm chị đi xin cau nhà thiếm Tư về làm mứt, thấy vậy tôi nói nhà chị giờ còn hai vợ chồng, ăn uống nhiêu đâu, làm chi cho cực. Chị cười ráo hoảnh, nói quen rồi, Tết hổng mần mứt cau buồn lắm, làm cho sắp nhỏ tới ăn, rồi gửi lên Sài Gòn cho vợ chồng con Trúc ăn nữa, mứt này ăn tốt lắm. Chị là vậy, quanh quẩn đời mình với vườn ruộng, yêu chồng thương con hết dạ, lắm lúc sổ mũi nhức đầu, chị cũng cho qua, sợ tốn tiền thuốc, sợ chồng con lo lắng cho mình. Thấy thương cho chị, nhưng đôi khi tôi cũng phát quạu dùm. 

Hồi con Trúc chưa lên Sài Gòn học, chị bị chứng hen suyễn kết đờm, nghe đâu con Trúc học được từ ai đó cách lấy tủa cau rũ ở phần đầu buồng hoa cau, đốt tồn tính rồi tán nhỏ thành bột mịn, trộn với cháo trắng cho chị ăn hằng ngày. Chị khỏe tới giờ cũng hơn chục năm. 

Con cái mà, cha mẹ nào không thương, nhất là kiểu như con Trúc, có hiếu hết sức. Bởi vậy, Tết nào con Trúc không về được, trông chị buồn hiu; thoảng mùi hương hoa cau luênh loang bay, cũng làm nỗi nhớ con đòi đoạn trong lòng chị dâng lên. Hương cau thơm như mùi tóc con gái của chị được ủ ấp trong tình quê lam lũ, chỉ đủ ăn nhưng dư giả nghĩa tình.

Theo chị, mứt cau kiểng thấy vậy chớ khó lắm, phải tỉ mẩn trong từng công đoạn mới cho ra sản phẩm ngon. Loại mứt này phải được phơi giữa trời nắng to thì mới đạt độ dẻo, khô và ngon nhất. Nhìn từng quả cau mứt có màu đỏ của chị làm, dẻo mềm lại có vị thanh ngọt rất dễ ăn, vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe được chị làm, dẫu cho ai ăn một lần cũng sẽ nhớ hoài sắc vị.

-9812-1673335957.jpg

Nói về cách làm loại mứt này, theo kinh nghiệm của chị, thì phải chọn lựa, không phải quả nào cũng làm được. Những quả già sẽ cứng hạt, lúc ăn sẽ không nhai được, còn với quả non quá sẽ bị mềm, nhão, ăn hông ngon. Cách tốt nhất là chọn những quả, khi bổ ra làm đôi thấy hột cau vừa kín là được, có thể sử dụng móng tay để bấm thử, nếu cứng quá thì loại ra ngay từ đầu. Chuẩn nhất loại cau đủ 160 ngày từ khi đậu quả tới khi hái trái là ăn ngon nhất.

Công đoạn tiếp theo sẽ nhặt từng quả, dùng vật cứng như chày hoặc khúc gỗ đập mạnh sẽ lấy được phần ruột của cau. Sau đó, đem số hạt này ngâm vào nước đã pha với chanh và muối, rửa tầm 5 lần. Rồi lại đem luộc 2 lần với nước có muối và chanh để hạt cau không còn chát và hạt trắng, mỗi lần tầm 10 phút.

Tiếp tục, đem ướp cau với đường. Và có thể sử dụng đường mía để màu mứt cau khi thành phẩm trông đẹp mắt hơn. Sau đó, sẽ bỏ chúng vào xoong và đun liu riu lửa đến khi chúng sền sệt thì lấy ra rồi phơi nắng là xong. Tầm ba nắng là có món mứt cau ngon và tốt cho sức khỏe.

Với những người con xa quê, nồi bánh tét ba nấu, món dưa kiệu má làm, miếng mứt gừng cay cay, miếng mứt cau mềm dẻo thanh ngọt... bao giờ cũng ngon và rặt mùi hương quê. Tết là đoàn viên. Tết được quây quần bên người thân yêu, hớp ngụm trà, ăn miếng mứt, chúc nhau những điều tốt lành nhất... Tết là sum vầy, yêu thương! 

Xuân Lộc