Một năm đồng hành
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:00, 17/01/2023
Trong nước, nền kinh tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là xử lý những vấn đề mới phát sinh liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản...
Các đơn vị trong hệ thống từ Ngân hàng Trung ương đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cùng các tổ chức tín dụng (TCTD) đã vào cuộc với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đặc biệt là đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định kinh tế. Cụ thể, lãi suất được điều hành và điều chỉnh hợp lý, tỷ giá, tín dụng được điều hành linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, các chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh được kịp thời ban hành và triển khai khẩn trương, đồng bộ.
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực NHNN |
Nhìn lại năm 2021, từng có lúc tôi cho rằng việc khôi phục lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất là khó khăn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã vực dậy và phục hồi rất tích cực, nhiều lĩnh vực kinh tế là rất nhanh. Tuy nhiên, năm 2022 và năm 2023, tình hình cũng còn rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và cả thị trường lao động về nguyên vật liệu, dòng tiền, cung ứng hàng hóa, chuỗi sản xuất, vận tải, vận chuyển logistics... không chỉ trong nước mà cả với quốc tế. Lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải vẫn còn khó khăn.
Trên thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài cũng ảnh hưởng đến sản xuất, đến dòng tiền, sự luân chuyển hàng hóa và rất nhiều doanh nghiệp cũng đang bị đứt đoạn xuất khẩu. Tất cả khó khăn này không thể không có tác động lớn đến nền kinh tế mở cửa của chúng ta trong vấn đề quan hệ đối ngoại dòng vốn FDI.
Bên cạnh đó, các chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất và thậm chí là tăng lãi suất rất nhanh, rất mạnh mẽ của thế giới... đã làm cho giá của đồng USD tăng cao, lãi suất tăng lên, dòng vốn không dịch chuyển... Điều này tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, điều hành vĩ mô, điều hành tài chính kinh tế nói chung của đất nước.
Trong khó khăn đó, phải nói rằng sự đồng hành của báo chí truyền thông với ngành ngân hàng rất cần thiết và tích cực. Đặc biệt, tôi đánh giá cao năng lực, trình độ các phóng viên, nhà báo phụ trách mảng kinh tế tài chính, tiền tệ - một lĩnh vực khá phức tạp nhưng các nhà báo đã có nhận định, đánh giá rất sâu, giúp lãnh đạo ngành ngân hàng vạch ra các quyết sách phát triển kinh tế và cho doanh nghiệp kịp thời.
Nhờ vậy, doanh nghiệp cũng kịp thời đưa ra những quyết định kinh doanh nhanh, chính xác. Cùng sự đồng hành đó, năm 2022, NHNN cũng rất linh hoạt, rất chủ động, kiên định nhưng cũng có lúc phải rất linh hoạt để có chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của ngân hàng và của doanh nghiệp và toàn xã hội.
Kết quả đến nay đã chứng minh quan điểm điều hành, nguyên tắc điều hành phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù có rất nhiều quan điểm, rất nhiều góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước là cần phải tăng lãi suất rất nhanh khi thế giới đang tăng lãi suất đến chóng mặt. Thế nhưng, để đảm bảo ổn định mặt bằng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp nên trong suốt những tháng đầu năm, NHNN rất kiên trì việc điều hành lãi suất, vừa kiểm soát vừa chỉ đạo các ngân hàng thương mại cố gắng bằng khả năng của mình hỗ trợ vốn vay và lãi suất cho doanh nghiệp.
Trong gần 9 tháng đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2022, những tác động tiêu cực lên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng chuyển biến rất nhanh; lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục điều chỉnh mạnh lãi suất điều hành và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã cân nhắc kỹ, buộc phải điều chỉnh tăng các mức lãi suất trong tháng 9 và tháng 10/2022. Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, NHNN cũng linh hoạt chỉ đạo TCTD tập trung hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời, tăng thêm hạn mức tín dụng (gồm cả các giải pháp hỗ trợ vốn vay ngoại tệ) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu; triển khai các giải pháp để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng đối với doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên.
Không chỉ đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD bố trí nguồn vốn, phát triển, đa dạng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Bên cạnh tín dụng thương mại, NHNN tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội đẩy mạnh triển khai 23 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực NHNN