Quà Tết cho bà
Du lịch - Ngày đăng : 05:00, 17/01/2023
Cô chú bác bên nhà tôi bảo, bà nói chuẩn, tiền thì ai cũng thích, đến tụi trẻ con lên ba lên năm cũng mê cơ mà. Nên con cháu ai thương bà cứ đưa tiền là nhất, tiền với người già như sâm, cầm trên tay là thấy khỏe cả người. Anh em tôi đều đi làm xa, thấy cô bác nói đúng quá nên Tết cứ thi nhau dúi tiền vào tay bà. Đứa nào cũng tỏ ra hiếu thảo qua những xấp giấy bạc xanh xanh đỏ đỏ và thầm nghĩ vậy là đủ “tinh thần trách nhiệm”.
Bà nội tôi sống trong căn nhà riêng mà con cháu xây theo ước nguyện người già. Mặc dù cô chú bác bên tôi khá giả nhưng không một ai khuyên bà về sống chung được. Bà thường nói với đám cháu chắt, không có gì quý hơn tự do, tự tại. Còn tôi thì nghĩ, đó chỉ là cái lý để bà sống riêng, để cất xấp tiền lì xì mỗi năm thêm dày của đám con cháu mấy chục đứa xa gần.
Là cháu đích tôn nên bà thương tôi nhiều nhất. Bằng chứng suốt bốn năm đại học lần nào về quê bà cũng dúi vào tay tôi mấy trăm nghìn đồng. Bà sợ tôi sống ở Sài Gòn không có tiền, còn tôi luôn nghĩ trong chiếc túi vải ngả màu trầu bà cất nơi đầu giường còn nhiều tờ xanh đỏ lắm nên hả hê nhận.
Rồi tôi cũng học xong, đi làm có lương tháng, về quê không còn nhận tiền của bà nữa. Ngược lại, tôi cùng hòa vào đám cháu chắt ở xa mỗi lần gặp bà là lì xì bằng tiền. Cứ như cô chú bác đã nói, với bà tiền là nhất thôi, cứ nhiều tờ nhét vào chiếc phong bao thật đẹp rồi trao tận tay là mắt bà long lanh lắm. Tôi luôn ngây thơ tin là thế.
Mấy ngày về Tết, có gia đình riêng tôi bận rộn chuyện nội chuyện ngoại. Ngày mồng một, hai vợ chồng ghé nhà bà cứ như chuồn chuồn đớp nước, trao lì xì cùng mấy lời chúc mừng lí nhí mà không rõ bà nghe được không rồi vội đi. Mẹ tôi bảo, tranh thủ thời gian vào ngồi tâm sự với bà một đêm, chứ từ lâu lắm không có ai ở lại tỉ tê trò chuyện. Con cháu ai cũng bận rộn, đứa nhỏ bận đi học, đứa lớn bận đi làm, miệng đứa nào cũng than bận lắm. Tôi ầm ừ cho qua rồi cũng quên.
Tôi say sưa suốt mấy ngày Tết. Đến tận tối mồng bốn mới nhớ lời của mẹ. Lật đật đánh xe vào nhà bà. Hơn 9 giờ đêm, trời tối đen như mực nhưng bà vẫn chưa ngủ. Nghe tiếng xe đã dậy bật điện rồi hỏi như nhìn thấy tôi rõ lắm: “Thằng Lộc hả con?”. Tôi chỉ lí nhí dạ, vì miệng toàn mùi rượu.
Đêm đó tôi trở về làm đứa cháu thuở nhỏ nằm cạnh bà. Bà mở đầu câu chuyện đêm khuya bằng những lời rù rì về chuyện ngày xửa ngày xưa khi ông nội đi đánh Pháp năm 1950, rồi đến chuyện tôi sinh ra và lớn lên như thế nào. Câu chuyện của bà cứ như được soạn sẵn, đợi chờ người nghe là chảy ra thôi. Tôi nằm đó lắng lòng không dám nói, thỉnh thoảng mới dạ những tiếng thật nhẹ.
Bỗng bà hỏi: “Lấy vợ rồi có kẹt tiền không, bà cho một chỉ”. Tôi giật mình, bảo bà giữ đó mà dưỡng già, tôi đi làm đã có lương rồi. Bà lại nói, già rồi tiền như hoa đất, ăn cũng chẳng muốn ăn, mặc cũng không còn thèm mặc. Rồi bà ầm ừ nói thêm, tiền con cháu đem biếu bao năm nay bà không xài đến, cứ giữ đó sau này cho con cháu thôi.
Tôi lặng thinh rồi quơ tay nắm lấy hai bàn tay nhỏ của bà. Bàn tay ấy giờ nhỏ lại như tay con nít, khẳng khiu và trơ xương, thế mà cô chú bác bảo rằng bà béo lắm.
Bà lại kể bâng quơ qua chuyện khác, bà bảo năm nay là năm hạn, nếu trời thương cho qua thì có thể sống thêm vài cuốn lịch để đón những đứa chắt mới, trong đó có con của tôi. Rồi bà đột ngột nói: “Lịch thời nay sao in lạ quá, không còn nhiều ca dao tục ngữ nữa, toàn nói chuyện tình yêu”.
Tôi vào Sài Gòn sau hôm đó. Việc đầu tiên của tôi là đặt mua cuốn sách ca dao tục ngữ Việt Nam gửi về. Hôm qua em gái tôi bảo, bà nhận được sách rồi, bà cứ đọc từ sáng đến trưa vui lắm.