Bay xa những ước mơ

Đào tạo - Ngày đăng : 06:00, 18/01/2023

Thư viện Ước mơ (Library of Dreams) dành cho trẻ em Việt Nam ở những vùng còn khó tiếp cận với sách và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, do chị Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á và nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng sáng lập năm 2014.

Vì thế hệ tiềm năng

Trong một buổi tiếp xúc với thị trưởng Helsinki, chị Phi Vân hỏi ông vì sao Phần Lan nhiều năm liền nằm trong tốp đầu danh sách các quốc gia sáng tạo, thị trưởng trả lời: "Bởi vì chúng tôi đã đầu tư vào giáo dục sáng tạo cho các em nhỏ cách đây 30 năm". Câu trả lời ấy làm nhói lòng khi chị nghĩ về trẻ em quê nhà.

Có nhiều cơ duyên để Thư viện Ước mơ ra đời, nhưng xuất phát từ tâm nguyện của chị Phi Vân là làm sao cho trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ ở những bản làng xa xôi được ươm mầm tri thức, góp phần xây dựng nên một Việt Nam sáng tạo, đổi mới trong tương lai.

-4140-1673424947.jpg

"Chúng ta nghe nhiều về khái niệm quốc gia sáng tạo và Việt Nam đầu tư rất nhiều vào startup, vào trường đại học, cao đẳng nhưng lại chưa đầu tư vào thế hệ trẻ nhỏ, gọi thế hệ tiềm năng. Đầu tư vào thế hệ nhỏ nhất thì sau này mới có được thế hệ sáng tạo, quốc gia sáng tạo", chị Phi Vân bộc bạch suy nghĩ và chia sẻ: "Nếu không hiểu về tương lai thì không biết hiện tại phải làm gì để đón đầu tương lai".

Những đứa trẻ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi khi chúng tham gia vào một tác phẩm nghệ thuật: Làm thế nào để vẽ được khung cảnh kia? Làm thế nào có được màu sắc tươi sáng cho bức tranh? Làm thế nào để truyền tải được cảm xúc vào bản nhạc?... Tất cả thúc đẩy trẻ tìm câu trả lời và như vậy giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, chị Phi Vân lý giải. Thông qua nghệ thuật, trẻ em còn nhận ra tầm quan trọng của làm việc nhóm.

Trải qua 8 năm, Thư viện Ước mơ đã chạm con số 100 thư viện vào năm 2022. Đây được xem là "quả ngọt đầu mùa" cho đội ngũ quản trị, tình nguyện viên, thầy cô giáo, các mạnh thường quân đã chung tay góp sức.

Chị Phi Vân quan ngại là bên cạnh nhiều trường, nhiều thầy cô nhiệt huyết, triển khai những sự kiện hằng tuần, hằng tháng kích thích học sinh đọc sách, kể chuyện từ sách, giới thiệu sách, nhiều thầy cô còn tổ chức cho học sinh xoay vòng mượn sách về nhà đọc, thì cũng không ít người thiếu quan tâm đến thư viện dạng này. 

"Không gian ấm cúng, màu sắc hấp dẫn, đầu sách đa dạng sẽ cuốn hút và khuyến khích văn hóa đọc của trẻ nhỏ và đặc biệt có ý nghĩa với các em ở vùng sâu vùng xa, nơi "đi tìm con chữ" còn nhiều vất vả. Tâm nguyện của chúng tôi là làm sao cho trẻ em Việt Nam được chuẩn bị tốt nhất hành trang vào đời", chị Phi Vân thể hiện sự quyết tâm cùng các cộng sự trong việc khơi nguồn sáng tạo cho trẻ em.

Con tàu mơ ước

Trong giáo dục, môi trường cho sự sáng tạo không gì tốt hơn là thư viện. Vậy nên, chị Phi Vân và cộng sự đã thành lập một ban quản trị thư viện, phần lớn là những doanh nhân có tâm với văn hóa đọc, tình yêu thương sâu sắc dành cho trẻ nhỏ vùng sâu vùng xa.

Xác định đây là thư viện sáng tạo, chị Phi Vân cùng cộng sự còn lập một ban chuyên môn chuyên đọc và chọn sách, ưu tiên những quyển sách khơi gợi óc sáng tạo cho các em. Hiện mỗi thư viện có từ 1.000-1.500 đầu sách.

Ở những thư viện xuống cấp, quỹ từ Thư viện Ước mơ được trích để sửa chữa. Ở mỗi trường, ban quản trị Thư viện Ước mơ tặng thêm một bộ máy tính để vừa "xóa đói thông tin, xóa mù công nghệ”, tạo niềm phấn khích đọc sách cho các em. Thư viện Ước mơ còn ký với các trường thỏa thuận vận hành thư viện liên tục trong vòng 5 năm. 

Sau 6 tháng, ban quản trị của Thư viện Ước mơ có những đợt bổ sung đầu sách mới cho các thư viện để bù vào nguồn sách mất mát, hư hao. Đội ngũ tình nguyện viên của thư viện thường xuyên gọi điện thăm hỏi, đến tận nơi để xem thư viện hoạt động ra sao. Nếu thư viện không mở cửa hoạt động như giao kết, chị Phi Vân cho biết sẽ lấy lại sách để tài trợ cho trường khác.

-1759-1673424947.jpg

Để phục vụ tốt nhất cho các em, Thư viện Ước mơ tạo không gian đọc thoải mái và thú vị. Mỗi thư viện gồm hai phần chính: phần nội thất, trang trí màu sắc bắt mắt, chỗ ngồi đọc thuận tiện và thoải mái; phần sách có nội dung đa dạng, in đẹp, phù hợp lứa tuổi. Theo đó, mỗi trường học cam kết sẽ có tiết đọc sách bắt buộc. Thầy cô giáo và học trò cùng đọc sách. Sau đó, thầy cô phát động chương trình thi đua chia sẻ cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách, cảm nhận về những cuốn sách mới.

Khi được hỏi nguồn kinh phí ở đâu để vận hành Thư viện Ước mơ, chị Phi Vân cho biết, ban điều hành tích góp qua tài trợ từ cá nhân và tổ chức, gây quỹ qua việc tổ chức hội thảo, sự kiện, triển lãm hay show nghệ thuật có thu phí. Và chính chị Phi Vân đã "lái con tàu ước mơ” bởi những kiến thức thông qua các chương trình mà chị làm mentor (hướng dẫn) và coach (huấn luyện) cho các nhà sáng lập doanh nghiệp để họ nâng cao khả năng điều hành công ty. Họ càng giỏi thì doanh nghiệp càng phát triển và có thêm kinh phí hỗ trợ cho Thư viện Ước mơ.

Điểm đến tương lai

Chị Phi Vân cùng cộng sự lập ra kế hoạch từng giai đoạn: từ năm 2020-2030, Thư viện Ước mơ tập trung xây dựng 1.000 thư viện tại các trường tiểu học và phổ thông cơ sở trên 63 tỉnh, thành. Từ năm 2025-2035, ứng dụng công nghệ để cung cấp sách điện tử, nguồn tài liệu học tập trực tuyến cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước. Từ năm 2030 trở đi, triển khai các khóa đào tạo kỹ năng mềm, các môn nghệ thuật, hướng nghiệp để hỗ trợ thế hệ tương lai.

Theo chị Phi Vân, hiện số lượng trường học chỉ tính riêng phổ thông cơ sở ước chừng trên dưới 14.000 phân bố khắp cả nước. Cho nên 100 thư viện như hiện nay chỉ như hạt muối bỏ biển. Việc tăng số lượng sách là công việc quan trọng trong năm 2023 của ban quản trị Thư viện Ước mơ.

-6005-1674017760.jpg

"Mong ước của chúng tôi là năm 2030 sẽ có 1.000 Thư viện Ước mơ, 1 triệu trẻ em Việt Nam được tiếp cận sách và các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo", chị Phi Vân chia sẻ và cho biết thêm, ngoài Tây Nguyên và các tỉnh khu vực miền Bắc, dự tính trong năm 2023, cùng một huyện, xã, khu vực, ban quản trị Thư viện Ước mơ sẽ liên kết các cụm thư viện để trao đổi sách, tạo nguồn sách mới giúp các em ham đọc hơn, giúp thư viện hoạt động hiệu quả hơn.

"Tôi chọn công việc cộng đồng để làm vì tôi yêu quê hương, tôi yêu con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng", chị Phi Vân trải lòng.

Hải Minh