Bên chái bếp quê thơm mùi cốm Tết
Du lịch - Ngày đăng : 01:00, 18/01/2023
Những ngày thơ bé, cứ 23 tháng chạp, má bắt đầu nhổ đám gừng tẻ để chuẩn bị làm cốm. Để có món cốm gừng đúng vị, cay thơm nơi đầu lưỡi, ấm nồng nơi cổ và vương vấn không gian thì phải được làm từ loại gừng tẻ, củ nhỏ, cay thanh và thơm đằm trộn cùng mật mía. Đó là loại mía ép lò thủ công, má đựng trong chiếc muỗng miệng rộng và phần đáy nhỏ, có lỗ thông. Má lấy lá chuối khô cuộn tròn khít lại sao cho đáy muỗng chỉ còn khe hở rất nhỏ, kê trên một chiếc thạp sành để lớp mật như mạch nước ngầm nơi chân núi, âm thầm rỉ ra từng giọt.
Để đến cạn chạp, thì lớp đường còn lại bên trong khô vàng kết kinh màu hổ phách, còn lớp mật đã rỉ hết ra ngoài sánh thơm trong gió sớm. Củ gừng tẻ sau khi làm vỏ sạch, má lát từng miếng nhỏ, luộc qua một lần nước rồi để ráo. Phần lá phơi khô dự trữ quanh năm để làm món cá đồng kho lá gừng ấm nồng những ngày mưa tháng mười nhão đất. Khi những đứa con mải mê áo cơm chữ nghĩa đã trở về nhà đông đủ thì chạng vạng hôm đó cha ngóng ráng chiều, đêm nghe tiếng vạc kêu sương để đón tiết trời chọn ngày nắng đẹp, để sáng hôm sau, cả nhà quây quần bên gian bếp nhỏ bắt đầu làm cốm.
Má nổi lửa sên gừng cùng mật mía. Những thanh củi khô hừng hực than hồng. Khi hơi khói bay lên hòa quyện trong mùi gừng, mùi mật, cũng là lúc nước đường đã tới, má múc ra đổ vào khuôn gỗ. Cha cùng anh hai cẩn thận vun lại gọn gàng rồi đậy nắp khuôn, đè lên trên bằng một chiếc chày gỗ để có miếng cốm vuông vắn và chắc chắn. Công đoạn này phải nhanh tay và dứt khoát. Hai người giữ chặt chiếc chày giã gạo, cùng dùng sức nén xuống hai bên vừa nhau, để miếng cốm đều tăm tắp, không bị lệch bên nào. Và phải làm nhanh khi nước đường còn nóng, để tất cả quyện sánh chắc vào nhau, sau này khi cắt ra thành từng miếng nhỏ hơn, vẫn giữ nguyên góc cạnh hình hài với những vân gừng vàng cùng mật đường đỏ au thơm phức.
Khi nắng Xuân bắt đầu vờn trên đám bông cải vàng ươm và những hàng bông vạn thọ rực rỡ, thì má đem số cốm vừa đóng miếng ra phơi trên một chiếc sàn đan tre nong mốt cho dậy hương và đằm chắc. Bao giờ cha cũng giữ lại một vuông cốm còn ươm mật đường tới lửa, cắt thành miếng nhỏ trên chiếc đĩa men xanh cũ có hình năm ông tiên già bên khóm trúc, bày lên ban thờ cúng tổ tiên rồi sau đó chia đều cho từng đứa. Cả nhà quây quần bên nhau nơi gian bếp, ăn một miếng cốm gừng cay nồng trong tiết trời se se Xuân sớm, trong ánh lửa đỏ bập bùng cùng hơi khói lẩn khuất bên chái tranh, len đầy những vết chân chim của cha, của má. Với tôi, mùi hương ấy, thời khắc ấy đã và luôn in đậm trong ký ức, để nhớ để thương và nhắc trở về khi gió Xuân hây hẩy cận kề.
Số cốm đã hong đủ nắng, má dùng dao cắt từng miếng nhỏ, cẩn thận cho vào một cái thẩu chai lớn. Chúng tôi thường bảo rằng, má cất mùa Xuân trong đó. Những miếng cốm chắc thơm mùi nắng sẽ để được rất lâu cho đến tháng giêng, đó cũng là mùa thu hoạch đậu đỏ trên những bãi soi thoai thoải. Khi ấy, dẫu gió Xuân vẫn còn hây hây nhưng những người dân quê đã lũ lượt quang gánh đi cắt dây thu hoạch đậu, bắt đầu những vòng xoay vụ mùa nối tiếp. Và thể nào, trong đôi quang gánh, ngoài những dụng cụ sản xuất, sẽ có thêm mấy vuông cốm nhỏ còn để dành lại sau Tết, để trong lúc nghỉ giải lao, mọi người cùng mời nhau giữa đồng, cùng hỏi thăm nhau về chuyện đoàn viên cháu con dăm ba ngày Tết...
Về sau, khi những lò nấu đường thủ công đã không còn nữa, người dân vẫn trồng mía, đến cuối mùa thì thương lái thu mua chuyển thẳng về nhà máy, má vẫn giữ thói quen tự ép nước mía nấu một ít đường đen bằng lửa bếp, đủ để cuối năm sên mật đóng vài khuôn cốm, gìn giữ những giây phút ấm áp sum vầy. Và chúng tôi, dẫu bôn ba cơm áo vẫn hẹn nhau trở về chỉ để cùng cha và má nhấp một chén trà, ăn một miếng cốm rừng đầy vị nắng vị mưa, vị phôi pha sương gió và lòng rưng rưng bởi yêu thương tràn ngập.
Nơi nếp nhà thơ ấu này, khói vẫn lên mỗi sớm và sự bình yên luôn hiện hữu song cũng có những ngày Tết chỉ còn bóng cha và má in trên bức vách. Đó là cái Tết khi dịch bệnh mới bắt đầu lan rộng, chúng tôi chưa thể trở về nhà khi đã cạn ngày năm cũ như một lời hứa bất di bất dịch tự thuở nào. Năm ấy vào đúng khắc giao thừa, gọi về cho cha, vẫn thấy cha lặng lẽ lau khuôn gỗ dùng để đóng cốm dẫu nó đã sạch bong và bóng nước thời gian. Cha nói cốm gừng thích hợp ăn lúc đoàn viên sum họp. Cái hương vị cay nồng đậm mùi của nắng mưa, của thành quả lao động cũng sẽ theo chúng tôi, dẫu thành công hay thất bại trên đường đời, vẫn luôn nhớ về miền quê nghèo khó và biết yêu thương với đời, với người...
Chúng tôi vẫn cứ mải mê cơm áo để một sớm Xuân nào, chợt rưng rưng nhận ra dáng cha hao gầy và bàn tay lam lũ của má đã không còn khỏe để tự tay nấu nước mía thành mật đường để đóng cốm. Thế nên dẫu Tết đến với đủ đầy quà bánh, với tôi vẫn cứ vời vợi niềm nhớ thương vị cay nồng của vuông cốm thuở nào. Đó chính là vị của yêu thương, vị của thời khắc giao mùa. Mùi hương ấy như một tín hiệu của mùa Xuân, của sự đoàn viên sum họp và còn thương đến hẹn lại về. Tết năm nay tôi về nhà sớm hơn dự định. Tôi cùng má nhổ đám gừng tẻ lát từng lát nhỏ phơi trong nắng sớm. Tôi sẽ cùng cha lau chùi khuôn gỗ in vết thời gian, nấu ấm nước gừng khô khói thơm hiên bếp nhỏ, lắng nghe những yêu thương tràn ngập bên đời!