Ông Trần Phi Long - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn (CNS): "Vi diệu", "anh hùng" - từ khóa tự hào trong năm 2022
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 19/01/2023
* Khép lại năm 2022, ông cảm nhận gì về sự nỗ lực của thành phố, doanh nghiệp và bản thân ông trong một năm nhiều biến động này?
- Năm 2022, dù tình hình thế giới, kinh tế toàn cầu và Việt Nam có nhiều biến động, nhưng trong nước, sức sống của nền kinh tế đã được hồi sinh. Sau đại dịch, Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM đã có những quyết sách phù hợp, tháo gỡ nhiều khó khăn, giúp doanh nghiệp tự tin hơn, yên tâm và mạnh dạn tiếp tục mở rộng sản xuất, tái cơ cấu. Nhiều doanh nghiệp đã chọn lựa những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và nước ngoài, xuất khẩu nhiều lô hàng góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cho cả nước, đặc biệt là TP.HCM.
Với GDP của Việt Nam năm 2022 dự báo đạt từ 7-8% và riêng TP.HCM tốc độ tăng trưởng còn cao hơn là minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ, của thành phố và doanh nghiệp trong năm 2022. Đây cũng là dấu hiệu lạc quan cho gam màu sáng của nền kinh tế Việt Nam và TP.HCM, tạo bàn đạp và khích lệ doanh nghiệp tiếp tục những bước đi vững vàng hơn cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Riêng cá nhân tôi thì năm 2022 là năm cho tôi rất nhiều thay đổi từ cuộc sống, suy nghĩ, tư duy, cách làm... Và ngã rẽ lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, đó là nhận nhiệm vụ về làm lãnh đạo tại CNS.
* Nếu chọn một từ khóa để nói về năm 2022 ông sẽ dùng từ nào?
- Tôi chọn từ khóa "vi diệu". Như mọi người đều thấy, sau đại dịch, dù Việt Nam còn non yếu hơn nhiều quốc gia khác nhưng chúng ta đã nỗ lực để cùng nhau vượt qua thử thách, khó khăn một cách "vi diệu", phải nói rằng ngoài sức tưởng tượng. Nhờ vậy, chúng ta đã hồi sinh, đã mang lại cho nền kinh tế một sức sống mạnh mẽ trong khi cả thế giới và các nước xung quanh vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề.
* Còn từ khóa dành cho đội ngũ doanh nhân - những người đã đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước...
- Không thể phủ nhận, sự đóng góp của doanh nhân đối với nền kinh tế của Việt Nam và TP.HCM vô cùng lớn, vô cùng quan trọng. Đây là đội ngũ tiên phong, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, những anh hùng trong thời bình. Họ dám dấn thân trong một tình hình kinh tế rất khó khăn, với những diễn biến phức tạp như chiến tranh Nga - Ukraine, lạm phát cao, nguyên vật liệu đầu vào tăng phi mã, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí giá thành sản phẩm tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Tuy nhiên, các doanh nhân đã lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua thách thức một cách rất nghệ thuật, rất uyển chuyển để cân đối được chi phí, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, giúp nền kinh tế phát triển một cách ổn định và bền vững. Đáng ghi nhận hơn là nhiều doanh nghiệp đã đưa được những sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì thế, tôi phải trân trọng dành cho đội ngũ doanh nhân hai chữ "anh hùng".
* Trước thềm năm mới, ông kỳ vọng thế nào về năm 2023?
- Năm 2023, tình hình thế giới chưa ổn định, chiến tranh Ukraine và Nga tiếp tục nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, chính trị của thế giới, giá cả nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu... Dự báo kinh tế vì thế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, năm 2023 hợp đồng của họ với các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á sẽ bị giảm, thậm chí là không có đơn đặt hàng. Tại thời điểm này, nhiều lô hàng của Việt Nam đã cập cảng quốc tế nhưng bị ứ đọng do không vào được các quốc gia này. Đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, câu chuyện vốn cho doanh nghiệp cũng vô cùng cấp thiết. Do đó, năm 2023, Chính phủ và lãnh đạo thành phố cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa về thuế, tài chính, tiền tệ, nhất là lãi suất phù hợp với tình hình thực tế; làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng, thuận lợi; thông thoáng, kịp thời hơn với các thủ tục hành chính; tiếp tục lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp, điều chỉnh kịp thời những quy định pháp luật, giúp doanh nghiệp có hành lang pháp lý an toàn để mạnh dạn làm, mạnh dạn đổi mới và thích ứng với tình hình. Đặc biệt, phải làm thế nào để mọi cấp quản lý cơ quan nhà nước đều hiểu rằng, những quy định pháp luật là để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, chứ không phải làm khó doanh nghiệp.
* Thời gian qua, dư luận xã hội đang đặt ra vấn đề quan ngại về văn hóa doanh nhân, khi liên tiếp xảy ra các vụ việc như tát tiếp viên hàng không và câu nói: "Biết tao là ai không?, một doanh nhân bị Covid-19 đã chửi bới nhân viên y tế khi bị đưa đi cách ly, hoặc vụ vứt nắm tiền lẻ xuống nền nhà khi một nhân viên thối tiền lẻ và gần đây là vụ đánh một cô nhân viên tại sân golf... ông nghĩ thế nào về các sự vụ này?
- Như đã nói, doanh nhân là đội ngũ tiên phong tạo ra của cải vật chất, phục vụ nhu cầu người dùng và cho xã hội, nghĩa là họ đã tạo ra giá trị. Nhưng chưa đủ. Ngoài việc sản xuất ra sản phẩm, tạo ra lợi nhuận, doanh số đóng góp cho nền kinh tế, giá trị của doanh nhân còn thể hiện ở văn hóa trong ứng xử, văn hóa trong sản xuất, văn hóa trong chất lượng sản phẩm, văn hóa sống, văn hóa đối với cộng đồng... biểu hiện qua sản phẩm của họ sản xuất ra không gây ô nhiễm môi trường, không gây hại cho người dùng, biểu hiện qua nghĩa cử và hành động biết sống vì cộng đồng, vì an sinh của xã hội...
Vì thế, văn hóa của doanh nhân còn là cách ứng xử với những người xung quanh, ứng xử với những người có vị thế thấp bé hơn, phải xem họ là một phần trong sự nghiệp, trong sự thành công của mình, chứ không phải ỷ quyền, ỷ thế, ỷ tôi là doanh nhân có tiền, tôi muốn làm gì cũng được.
* Hỉ, nộ, ái ố, nóng giận, phạm lỗi... là những chuyện ai cũng có thể mắc phải trong đời, nhưng là doanh nhân, người có tên tuổi, là lãnh đạo thì thường bị chú ý và bị dư luận thổi phồng, ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Văn hóa của một con người được thể hiện trong từng hành vi ứng xử, dù nhỏ nhất. Ngày nay, khi nói về doanh nhân, mặc định trong suy nghĩ của xã hội là một người không chỉ có tiền mà còn có nhân cách, văn hóa, tri thức... khác với một người làm kinh doanh, một anh trọc phú - những người có thể giàu, có nhiều tiền nhưng ý thức và ứng xử của họ chưa hẳn lấy văn hóa làm chuẩn mực.
Ở góc nhìn khác, một người tự xem mình là nổi tiếng, được xã hội quan tâm chẳng qua là do họ tự đặt ra để tự hạnh phúc và mãn nguyện. Thước đo nhân cách của con người chính là cách ứng xử và hành động có văn hóa của họ. Mỗi người chỉ thật sự hạnh phúc, hãnh diện và tự hào khi được mọi người xung quanh, được xã hội tôn vinh và trân trọng. Vì thế, không cần phải thể hiện mình đẳng cấp nào hay vị trí cao, thấp. Hãy nghĩ mình là một trong những bộ phận tạo nên chuẩn mực đạo đức, giá trị chung cho xã hội, lúc đó sẽ tự kiểm soát được hành vi và cách ứng xử của chính mình.
* Ông bà xưa từng dạy: "Tiên học lễ hậu học văn", phải chăng chữ "lễ” ngày nay đang bị mờ nhạt khi chúng ta đang hội nhập, thế hệ trẻ đang bị... Tây hóa cả cách sống, cách nghĩ?
- Chúng ta đang hội nhập với thế giới, văn hóa cũng đang hòa nhập nhưng phải xác định hội nhập là để hòa nhập, hòa đồng với văn hóa thế giới, để học hỏi và tiếp thu những giá trị văn hóa trường tồn của nhân loại, học cái hay, cái mới và hiện đại của thế giới nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn bản sắc, văn hóa dân tộc Việt, con người Việt chứ không phải hòa tan tất cả.
Vì thế, nhiều chuẩn mực giá trị đạo đức ngày nay cũng thay đổi. Chúng ta không thể bắt con em mình phải theo khuôn phép, lễ giáo ngày xưa, nhưng cũng nên phát huy bảo tồn những cái đẹp, cái hay của văn hóa lễ giáo truyền thống. Ví dụ ngày xưa, ngay từ khi học mầm non, thầy cô giáo đã dạy chúng ta phải biết kính trên nhường dưới, phải biết chào người lớn tuổi mà khi chào là phải khoanh tay cúi đầu nhưng giới trẻ sau này gần như không còn cách chào lễ phép đó.
Trong văn hóa Nhật Bản - một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới nhưng họ vẫn giữ được nét văn hóa chào nhau bằng cái cúi đầu thật thấp, thật trân trọng. Với người Nhật, "cái cúi đầu càng thấp, nhân cách của họ càng cao". Tại sao, ngày xưa bé, chúng ta cũng được học khoanh tay, cúi đầu mà đến nay cái văn hóa đó, giá trị đó lại mai một dần? Đó là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm, suy ngẫm.
* Đang là Chủ tịch UBND quận 11, khi nhận được phân công lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước, nhất là một tổng công ty đang có nhiều vấn đề nội tại, ông có thấy áp lực?
- Công việc của Chủ tịch UBND quận là điều hành một địa phương trên mọi lĩnh vực về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, vì thế nó đòi hỏi về mặt kiến thức mình phải am hiểu rộng và toàn diện hơn.
Khi về một đơn vị doanh nghiệp, chuyên về sản xuất kinh doanh thì đòi hỏi mình phải có kiến thức sâu về lĩnh vực này, đặc biệt với một doanh nghiệp có nhiều lĩnh vực hoạt động, gần như là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, trung tâm bảo toàn thông tin...
Trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đã khó, doanh nghiệp nhà nước còn khó gấp đôi. Doanh nghiệp nhà nước ngoài việc phải đảm bảo làm đúng luật doanh nghiệp, đảm bảo đóng góp ngân sách, bảo toàn vốn cho Nhà nước thì còn nhiều cái khó gấp đôi so với bình thường.
Nếu nói doanh nhân phải có những nét riêng, sự khác biệt thì điều hành doanh nghiệp cũng phải như thế. Riêng vấn đề nội tại của CNS cũng là một khó khăn. Tuy nhiên, là một đảng viên, khi tổ chức cần và tín nhiệm giao trọng trách thì tôi phải xung phong nhận nhiệm vụ ở bất cứ vị trí nào. Dẫu biết khó vẫn phải dấn thân chứ không nói khó là lùi. Bản thân tôi từ xưa đến nay chưa bao giờ biết lùi. Khi Đảng tin tưởng thì tôi cống hiến, (tôi đang nói từ cống hiến), bởi chỉ khi xác định đúng tinh thần cống hiến thì tâm thế đón nhận những khó khăn trước mắt và sắp tới sẽ là chấp nhận, đương đầu và từng bước tháo gỡ khó khăn.
* Nếu phải có những quyết sách linh hoạt, thậm chí phải... xé rào, liệu ông có dám... liều để nắm bắt cơ hội, tạo sự đột phá cho doanh nghiệp?
- Đây là một câu hỏi rất khó và cũng là kỳ vọng rất lớn không chỉ cá nhân tôi mà của cả lãnh đạo thành phố. Có nghĩa là, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp tư nhân đã khó, doanh nghiệp nhà nước còn khó gấp đôi. Trước đây và ngay cả bây giờ, vẫn có quan điểm rằng doanh nghiệp nhà nước rất thoải mái, lúc nào cũng được Nhà nước ưu tiên. Thực tế, doanh nghiệp nhà nước ngoài việc phải đảm bảo làm đúng luật doanh nghiệp, đảm bảo đóng góp ngân sách, bảo toàn vốn cho Nhà nước thì còn nhiều cái khó gấp đôi so với bình thường.
Bản thân tôi chỉ mới ba tháng về nhận nhiệm vụ tại CNS, tôi đã thấy rất nhiều khó khăn, nhất là cái khó về hành lang pháp lý để bảo vệ người đứng đầu. Ví dụ một giám đốc doanh nghiệp tư nhân, khi anh ta bỏ tiền đầu tư hoặc đưa ra một quyết định không đúng, không hợp lý, không kịp thời cơ thì rủi ro nhất là mất tiền hoặc huề vốn, xấu nhất là phá sản. Nhưng làm lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước thì không đơn giản như vậy. Nếu như anh đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát lãng phí tài sản của Nhà nước thì phải gánh chịu nhiều hậu quả pháp lý nặng nề hơn. Vì vậy, làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải thận trọng, chặt chẽ hơn trong từng quyết định.
* Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không dám làm, chọn cách điều hành an toàn, dẫn đến năng lực doanh nghiệp nhà nước kém hơn tư nhân?
- Doanh nhân thường hay nói đùa với nhau: "Trong kinh doanh dám liều ăn nhiều". Thời cơ đến thì chụp ngay nếu không sẽ mất cơ hội. Thực tế, có rất nhiều cơ hội mang lại hiệu quả cho công ty, doanh nghiệp nhưng chúng tôi không thể quyết nhanh, mà phải xin chủ trương, ý kiến, vì thế tính kịp thời có độ trễ hơn so với doanh nghiệp tư nhân nên cơ hội cũng mất đi. Gần đây, thành phố đã nhìn thấy bất cập và đã có những buổi họp giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp nhà nước để tháo gỡ. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao cho các sở ngành của thành phố ghi nhận những quy định bất cập để kiến nghị cho Trung ương, các bộ ngành điều chỉnh luật để có hành lang pháp lý an toàn giúp cho doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đầu tư phát triển.
* Một trong những bất cập mà ông muốn thay đổi?
- Trong những vấn đề bất cập, đó chính là cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng.
Ở cấp lãnh đạo, quản lý, chúng tôi là những người chịu trách nhiệm đối với việc bảo toàn nguồn vốn mà UBND TP.HCM giao cho, nếu đầu tư, kinh doanh không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thực tế, luật của mình cũng chưa đầy đủ, thậm chí không theo kịp sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội và thế giới, phần nào triệt tiêu động lực, đem đến suy nghĩ của nhiều người: "Làm ổn định là tốt rồi, không cần đầu tư, đột phá”, chẳng thà đi chậm một chút còn hơn năng động sáng tạo lại bị lãnh hậu quả. Bởi một nguyên tắc chưa hề cũ là càng làm nhiều thì rủi ro càng cao.
* Có bao giờ ông cảm thấy vì công việc khiến mình phải hy sinh thời gian cho bản thân và gia đình?
- Do tính đặc thù của công việc nên quỹ thời gian dành cho gia đình của tôi thường rất eo hẹp. Trong gia đình, vợ tôi là người phụ nữ lo toan cho cuộc sống, chăm lo cho cha mẹ và con cái. Chính vì vậy, tôi hiểu được sự thiệt thòi của vợ mình trong những lúc không có chồng đồng hành.
Chúng tôi dành ngày cuối tuần để sinh hoạt gia đình và cùng nhau tham gia những chương trình thiện nguyện. Mười bảy năm qua, tôi và một số anh em đã thành lập ra hội từ thiện và đã thực hiện nhiều chương trình xây dựng nhà tình nghĩa tình thương, xây dựng cầu, mổ mắt cho người nghèo và một số hoạt động xã hội khác...
Thông qua các chuyến đi thiện nguyện, tôi không chỉ muốn chia sẻ những giá trị vật chất, tinh thần cho những người bất hạnh hơn mình, mà sâu xa hơn, qua những chuyến đi đó, tôi cảm thấy cân bằng cuộc sống, thấy cuộc sống vui hơn, thoải mái hơn và giảm bớt căng thẳng áp lực từ công việc. Đó cũng là cách tôi dạy con nhận ra giá trị của cuộc sống và trân quý những gì đang có.
* Nếu chia sẻ điều mơ ước vào lúc này, ông sẽ mơ ước điều gì?
- Với tôi, một thế giới hòa bình, một xã hội phát triển, một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống mang giá trị chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng là điều mà tôi luôn mong mỏi.
* Xin cảm ơn ông. Chúc ông một năm mới nhiều thành công với nhiệm vụ vừa đảm nhận.