Người Việt chi hơn 1 tỷ USD cho dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:05, 19/01/2023
Theo báo cáo, tổng chi tiêu GMV cho dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến trong năm 2022 của các nước Đông Nam Á lên đến 16,3 tỷ USD, tăng 5% sau hai năm bùng nổ giao hàng do Covid-19. Lần đầu tiên sau ba năm, sự tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi các thị trường quy mô nhỏ trong khu vực gồm Philippines (tăng, 0,8 tỷ USD), Malaysia (tăng 0,6 tỷ USD) và Việt Nam (tăng 0,3 tỷ USD).
Khi Covid-19 dần trở thành dịch bệnh đặc hữu và các nền kinh tế mở cửa trở lại, những thị trường lớn hơn lại chứng kiến GMV sụt giảm, điển hình như Singapore (giảm 0,4 tỷ USD), Thái Lan (giảm 0,4 tỷ USD) hay Indonesia (giảm 0,1 tỷ USD). Trước áp lực về lợi nhuận, những nhà cung cấp dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến có thâm niên và mới tiếp tục xu hướng cắt giảm chương trình khuyến mãi, đồng thời đẩy mạnh sức cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ.
Tại Việt Nam, GrabFood và ShopeeFood là hai ứng dụng phổ biến nhất với thị phần GMV đạt 45% và 41%. Phần còn lại thuộc về Baemin (12%) và Gojek (2%).
Báo cáo của Momentum Works cũng cho thấy, những nhà cung cấp dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến dần rút lui khỏi các thị trường hoặc lĩnh vực không sinh lời như kho thực hiện đơn hàng (dark store) hay bếp trung tâm (cloud kitchen). Xu hướng này dự kiến tiếp tục đến năm 2023.
Mặt khác, các ứng dụng giao đồ ăn đang củng cố quá trình số hóa lĩnh vực F&B vốn còn đang phân mảnh. Một số ứng dụng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc mua lại các nhà cung cấp giải pháp quản lý nhà hàng và điểm bán hàng trong năm 2022.
Dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến tiếp tục chiếm một phần đáng kể trong tổng doanh số bán hàng của hộ kinh doanh bất chấp hoạt động ăn uống tại chỗ phục hồi trở lại. Do đó, người bán đang tạo ra các dịch vụ và khuyến mãi khác biệt hơn cho dịch vụ ăn tại chỗ và giao đồ ăn để giảm tình trạng quá tải cũng như tối đa hóa doanh số bán hàng cho cả hai kênh. Tương tự, các ứng dụng giao hàng cũng mở rộng sang không gian ngoại tuyến thông qua các chương trình như phiếu giảm giá khi ăn tại chỗ, đánh giá nhà hàng và nhiều hơn nữa.
Trong khi đó, báo cáo "Xu hướng giao hàng thực phẩm và hàng hóa tại Đông Nam Á năm 2022" (dựa trên thông tin khảo sát đối với hơn 60.000 người dùng dịch vụ giao đồ ăn và hàng hóa khu vực Đông Nam Á, trong đó có hơn 7.000 người dùng tại Việt Nam) được công bố hồi tháng 11/2022 cho biết, người dùng vẫn tiếp tục ưa thích sử dụng các dịch vụ giao hàng, trong đó dịch vụ đặt thức ăn và hàng hóa trực tuyến là một phần của lối sống hiện đại, thay vì chỉ là nhu cầu thiết yếu trong thời kỳ dịch Covid-19 hay sở thích trước đại dịch.
Theo đó, 7/10 người dùng cho rằng dịch vụ giao hàng đã gắn liền với nhịp sống hằng ngày. Những người dùng được khảo sát đưa ra ba lý do hàng đầu khi sử dụng dịch vụ giao hàng là: sự tiện lợi; khả năng đáp ứng nhu cầu; chuẩn bị cho những cuộc họp mặt.
Báo cáo cho biết, người dùng Singapore chi nhiều nhất cho việc giao hàng, trong khi người dùng Việt Nam đặt hàng thường xuyên nhất trong khu vực. Tại Việt Nam, đối tượng sử dụng dịch vụ giao hàng nhiều nhất có xu hướng là các gia đình trẻ. Khoảng 72% người dùng dịch vụ giao đồ ăn ở Việt Nam là các gia đình có con nhỏ, họ đặt giao hàng ít nhất 7 lần/tháng. Tương tự, dịch vụ giao hàng hóa ghi nhận 76% người dùng có con nhỏ, sử dụng dịch vụ trên 14 lần/tháng.