Bản lĩnh kinh doanh quốc tế
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:00, 20/01/2023
Tác giả Phan Minh Thông (áo vest đen, bên trái) cùng đối tác |
Trong lúc uống cà phê thì Jonathan nhận được tin nhắn của một người bạn cũ. Anh ấy chia sẻ thông tin về David - chủ một hãng cà phê có tiếng muốn bán cổ phần và cần người đến làm cùng.
Jonathan quyết định gọi cho David để tìm hiểu và hẹn một cuộc gặp:
- A lô, David! Jonathan đây, nghe nói anh muốn tìm đối tác?
- Ừ, sao anh biết thông tin vậy?
- Nghe trên thị trường thôi. Tôi muốn trao đổi cùng anh. Có lẽ chúng ta nên gặp nhau.
- Đầu tuần nhé.
- Ok đầu tuần, 10 giờ.
Cuộc gặp với David diễn ra đúng hẹn. Jonathan hỏi rất nhiều về kinh doanh, về việc ai là chủ sở hữu công ty và khách hàng lớn là những ai. David muốn bán cổ phần cho nên đã rất thiện chí và nhiệt tình trả lời. Mọi sự dường như diễn ra khá thuận lợi. Jonathan nhận được những thông tin từ David rất cụ thể, rõ ràng và thẳng thắn.
Kết thúc cuộc gặp, Jonathan thấy rất hữu ích. David đã hứa hẹn một công việc có vẻ thú vị.
- David này, anh bảo nhân viên gửi cho tôi các báo cáo kiểm toán nhé. Tôi xem và trả lời anh sớm, Jonathan nhắn nhủ trước khi tạm biệt.
Sau khi nhận báo cáo kiểm toán của Công ty Hạnh Phúc, Jonathan xem sơ và nhận thấy cơ hội đầu tư vào một công ty đang phát triển là khá chắc chắn. Có lẽ muốn thoát khỏi công việc mà mình không thích, Jonathan không xem xét thêm, chỉ thấy Hạnh Phúc đang trên đà phát triển dù quy mô chưa lớn, nên quyết định nhanh chóng rời bỏ công ty đang làm, gia nhập Công ty Hạnh Phúc của David.
Những tưởng mọi việc dễ dàng nhưng không phải vậy. Công ty mà Jonathan làm lâu nên nhiều tình cảm, nay qua công ty mới lại có phần lo lắng. Biết được cảm giác đó, David luôn động viên Jonathan và điều gì đến cũng đến: Jonathan chính thức tham gia công việc kinh doanh ở Công ty Hạnh Phúc. Giờ thì Jonathan là cổ đông và phụ trách một số thị trường, trong đó có thị trường Trung Đông.
Khác với David, Jonathan hăm hở thúc đẩy kinh doanh, lại càng bị hấp dẫn bởi khách hàng quốc tế. Một trong số đó là khách hàng tại Syria.
Đó là vào năm 2008, một lần tham gia hội chợ, Jonathan gặp được Abad Dayia - một nhà buôn gia vị tại Syria.
- Hello Abad, rất vui đã được gặp anh tại Dubai và biết được anh kinh doanh ngành gia vị.
- Hi Jonathan, tôi cũng rất vui được gặp anh. Chúng tôi đang mua tiêu đen, anh có hàng không?
- Có chứ. Anh cần loại nào?
- Loại 500 FAQ, cho tôi 2x40 fcl 54 tấn 500 faq CFR Lattakia, Syria nhé, Abad đề nghị.
- Giá là 3.600 USD/tấn, Jonathan trả lời.
Sau khi trao đổi và cuối cùng hai bên ngã giá là 3.475 CFR Lattakia, có SGS làm giám định và thanh toán trước 20%. Phần còn lại thanh toán dựa trên copy bộ chứng từ gốc.
Mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Công ty của Jonathan nhận được đủ tiền sau ba tuần giao hàng. Mọi người đều phấn khởi, nhất là Jonathan, bởi đây là khách hàng mới và đơn hàng lớn.
Thế nhưng 45 ngày sau khi giao hàng, Jonathan bất ngờ nhận được email của Abad: "Chào Jonathan, lô hàng tới bị mốc và ẩm. Đây là hình ảnh, ông xem nhé”. Kèm theo email khá vắn tắt là yêu cầu bồi thường 20.000 USD.
Jonathan ra sức thanh minh là mình làm tốt, có bản kiểm nghiệm của SGS - cơ quan giám định trung lập của Thụy Sỹ.
Abad vẫn trả lời như một:
- Dù ông nói gì thì chúng tôi nhận được chất lượng như này là rất tệ và công ty ông phải bồi thường.
Jonathan thấy mình không có gì sai nên không bồi thường. Abad cũng không nói gì và không gửi email thêm nữa.
Một tháng sau, Abad lại có thư hỏi hàng. Lúc này Abad mong có thư chào hàng loại 4x40 fcl tiêu 500 FAQ CFR Lattakia. Jonathan rất vui và nghĩ là Abad đã chấp nhận chuyện cũ nên vui vẻ thỏa thuận mức giá 3.500 USD CFR Lattakia, cách thanh toán như cũ.
Cũng là SGS giám định và có chứng thư, Jonathan đã ship lô hàng này tới Lattakia cho Abad. Do công việc bận rộn nên Jonathan cũng ít đòi tiền và lần nào đòi tiền thì Jonathan cũng nhận được thư của Abad là: "Ông yên tâm, chúng tôi sẽ thanh toán sớm".
Hàng gần tới Lattakia, Jonathan vẫn chưa thấy tiền về, liền gọi Abad.
- Hello Abad, công ty chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền, ông hãy thanh toán sớm nhé.
- Yên tâm Jonathan, sẽ thanh toán sớm.
Sau khi gọi điện, Jonathan nhiều việc nên quên mất việc giục chuyển tiền. Anh không hề biết có nhiều chuyện đang xảy ra với mình.
Mấy tuần sau, Jonathan nhận được thư của Abad: "Hàng đã cập cảng. Chúng tôi đã xin được lệnh tòa án phong tỏa lô hàng của anh".
- Tại sao lại phong tỏa?, Jonathan hốt hoảng bốc điện thoại hỏi.
- Ông còn nhớ lô hàng cũ không? Ông giao hàng mốc, kém chất lượng cho chúng tôi và chúng tôi phải mất 40.000 USD để xử lý mà ông không chịu trách nhiệm. Giờ chúng tôi buộc phải phong tỏa lô hàng mới.
- Abad, ông không thể làm vậy, không công bằng. Trước đây ông nói 20.000, giờ lên 40.000. Chúng tôi không chấp nhận! Chúng tôi sẽ kiện và làm mọi thứ để lấy lại lô hàng, Jonathan gào lên trong điện thoại.
- Ông cứ làm mọi thứ ông muốn, Jonathan.
Kết thúc cuộc gọi, Jonathan ngồi thừ ra nhẩm tính. Số tiền còn lại quá lớn, tới 302.400 USD. Biết làm sao đây? Lúc này, Jonathan mới nghĩ đến David và tính chuyện trao đổi, đồng thời liên hệ hãng tàu và kho để đổi người nhận hàng và tìm cách ship hàng trở lại Việt Nam.
- Lee ơi, anh có việc này khẩn cấp, anh chạy qua văn phòng em được không?, Jonathan gọi cho hãng tàu MSC.
- Dạ được anh, đầu dây kia đáp.
Ba chục phút sau, Jonathan có mặt ở MSC. Sau khi trao đổi, Jonathan mới biết khi hàng đã dỡ tại cảng Syria không có khả năng ship trở lại, nếu người mua không đồng ý.
Jonathan cảm thấy tuyệt vọng. Ký ức của lần kinh doanh trước, ở công ty cũ ùa về làm Jonathan xấu hổ.
Không cam chịu, Jonathan liên hệ công ty logistics nổi tiếng Damco và nhận được câu trả lời tương tự. Jonathan lo lắng và cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Hơn 300 ngàn USD có ít gì, ông ty thì nhỏ. Mình là người mới chưa có kinh nghiệm...
Sáng hôm sau Jonathan vào sớm và gọi cho David.
- Chào David, chắc ông xem email cũng biết tình hình như thế nào về lô hàng tiêu đi Lattakia phải không? Ông có thể đến sớm, tôi muốn gặp ông trao đổi giải quyết.
Khi David đến văn phòng sớm, nhìn thấy Jonathan đã ngồi đó với bộ mặt căng thẳng và chắc cả đêm không ngủ.
Sau khi nghe Jonathan kể toàn bộ câu chuyện, David nói: “Jonathan chưa có nhiều kinh nghiệm cho nên muốn làm mọi thứ nhanh và hiếu thắng, không chịu lắng nghe khách hàng. Cách tốt nhất lúc này là hạ mình xuống xin lỗi khách hàng và hỏi họ xem mong muốn họ xử lý việc này như thế nào.
David cũng đã không quên nhắc Jonathan là ship hàng đi Syria thì một là phải nhận tiền đầy đủ mới ship, hai là nếu có thì không thể để lô hàng dỡ tại Syria; nếu không thì mình sẽ thiệt hại trong trường hợp khách hàng muốn lừa mình.
Ngay sau khi cuộc nói chuyện với David kết thúc, Jonathan viết thư xin lỗi khách hàng và mong muốn được bồi thường giải quyết lô hàng.
Abad trả lời là không chấp nhận, thậm chí to tiếng, chửi thậm tệ Công ty Hạnh Phúc và Jonathan. Jonathan không biết làm gì ngoài buồn rầu. David liền gợi ý: Hãy liên hệ với các môi giới mà họ biết Abad, bảo họ giúp giải quyết sự việc này!
Jonathan choàng tỉnh và liên hệ với các môi giới, đại đa số họ không biết Abad, chỉ có 1 môi giới là họ nói là biết. Jonathan như vớ được cọc và gần như năn nỉ nhà môi giới giúp. Sino, tên nhà môi giới nhận lời với một điều kiện là từ giờ ưu tiên công ty ông ấy môi giới các lô hàng mà Hạnh Phúc bán qua Trung Đông. Jonathan mừng quá vội vàng đồng ý.
Sino đã ra sức thuyết phục Abad, làm mọi cách để Abad chấp nhận quay về bàn đàm phán. Thực ra Abad cũng chỉ muốn xử lý Jonathan, thu lại được tiền lô hàng mốc trước đó và đồng thời mua rẻ lô hàng. Thế nên sau nhiều vòng đàm phán, Abad ra điều kiện bồi thường là 40 nghìn USD mới chịu thanh toán phần còn lại. Jonathan rất muốn đàm phán giảm tiền bồi thường nhưng Abad không chịu, nên phải chấp nhận yêu cầu của người mua đang “nắm đằng chuôi” cả hàng lẫn tiền.
Ngày hôm sau khi quay trở lại văn phòng, David có cuộc họp rất lâu với Jonathan.
Thực ra ngay từ đầu Jonathan đã vội vàng, thiếu kinh nghiệm hiểu biết trong ngành thương mại quốc tế và không biết rằng Syria là một thị trường nguy hiểm rủi do cao. Cộng với hiếu thắng nên khách hàng đã có thể xử lý được mình và công ty Hạnh Phúc thua thiệt rất nhiều. Kinh doanh thương mại không kiếm được bao nhiêu mà mất tới 40 nghìn USD trên một lô hàng thì quá lớn. Lúc này Jonathan đã tự thấu hiểu điều đó, anh chỉ biết nhận lỗi và hứa sẽ cẩn thận.
Sau bao ngày mất ngủ dành thời gian cho đàm phán lần đầu tiên qua công ty mới, Jonathan nhận thấy kinh doanh quá khắc nghiệt và kinh khủng. Tự nhiên trong đầu Jonathn hiện lên câu hỏi: Mình có thích hợp làm kinh doanh quốc tế hay không? Có thích hợp làm chủ hay là đi làm thuê cho an toàn?
(*) Chủ tịch Phúc Sinh Group