Xuân về, tôi nhớ Tết xưa

Đời thường - Ngày đăng : 08:41, 20/01/2023

Ngủ đi, giao thừa mẹ gọi!”. Đúng rồi, mẹ dặn vậy, rồi bố mẹ kể chuyện tết quê, giọng mẹ lạc đi trong tiếng nấc, bố trầm ngâm nhìn qua phía bàn thờ, ông tôi mất khi gia đình vừa đi Nam kinh tế mới được hai năm, giờ không có di ảnh… khiến bố sụt sùi.

Tết đến thích lắm…

Bởi có quần áo mới, nhà cửa trang hoàng đẹp, thịt cá thơm ngon, có bánh mứt mà ngày thường khao khát… Và có cả tiền nữa, khi tôi bán được thúng lúa mót đồng sau vụ gặt.

Nhưng Tết đến lại là sự lo toan của bố, sự hao gầy của mẹ… cộng thêm cơn khát thèm thuồng ăn Tết, khiến ngày Tết trở thành một “gánh nặng”.

Chúng tôi lớn dần lên trong làng quê của bố, mẹ. Thuở ấy, đêm nào cũng vậy, vào mùng là bố cầm cái mo cau quạt phành phạch cho hai anh em tôi ngủ. Giường bên kia, mẹ cầm cái đèn dầu Hoa Kỳ rón rén hớt muỗi để thằng Út được êm giấc không giật mình. Trong cơn lim dim, tiềm thức của tôi mường tượng về quê cha đất tổ, bởi chuyện bố lên tận Tuyên Quang để thồ bao sắn cho ngày 30, mẹ bệt mông ngoài chợ mong về kịp thổi lửa gian bếp trước giao thừa… Đấy là giai thoại “kiếm Tết” của gia đình tôi. Thấy vậy, ông và bà chạy qua cúng ông công ông táo, thắp hương trên bàn thờ để lộc Xuân tràn vào, để gọi là có Tết.

-1360-1674008904.jpg

Xuân năm 1992 - Ảnh: Tác giả cung cấp

Tôi thấy đường làng quê mình hiện ra, vào nhà nhìn thấy ông rắn rỏi hiền lành và nhân hậu, bà nhỏ nhắn lưng còng cười hé hàm răng đen láy. Cánh đồng quê mờ ảo khói nghi ngút tỏa ra từ lớp rạ trên trái bếp, tiết trời se se lạnh khiến mọi người trong chiếc áo len phủ kín đỉnh đầu. Mùi hương khói, mùi bánh chưng nóng hổi, bánh dầy được giã dẻo thơm… quyện vào nhau khiến Tết quê có mùi khó tả. Hạnh phúc thật, khi trong nhà có đủ ba thế hệ chung vui, ngồi quây quần chúc tụng yêu thương.

Tôi tham gia phụ bố lấy món giò thủ gói lá dong bố vừa vớt dưới giếng lên, miếng giò thủ cưng cứng nhai sần sật, ăn cùng miếng xôi gấc mẹ đơm đượm thắm lòng quê. Cả nhà cùng quây quần bên mâm xôi, nhai miếng giò lạnh cóng mà thấy mùa Xuân Bắc Bộ ấm áp như cái chăn bông. 

Trong bộ áo dài khăn đóng, ông đi guốc mộc tay chống gậy vuốt bộ râu, nheo đôi mắt quầng sâu; bà mặc bộ áo tứ thân, đầu đội khăn mỏ quạ, nhai trầu bỏm bẻm. Hai cụ đứng hàng trên, đến bố mẹ, rồi chị cả, anh thứ, hai hàng hai anh chị nữa thì mới đến ba chúng tôi. Tất cả hướng về bàn thờ thành kính trang nghiêm, toàn thể cúi đầu… dâng nén hương xin lộc đầu năm tiên tổ. Cầu mong cho năm mới an lành, thời tiết thuận hòa để không phải chịu cảnh đói kém, thiếu ăn.

Nhấp nhô những cái cúi đầu rất đều theo tiếng mõ của ông. Năm nay anh trưởng nam lên cấp 3, nên bố chọn làm người xông nhà. Thủ tục cúng kiếng xong là lúc anh trưởng từ ngõ đi vào.

- Cháu kính chúc ông bà sống lâu với con cháu ạ!

- Ông bà cảm ơn cháu! Cha bố anh… năm nay lớn tướng rồi ông kễnh nhá! - Giọng bà mắng yêu nghe gần gũi thân thương.

- Năm mới, con chúc tuổi bố mẹ, chúc chị cả và các em mạnh khỏe, chúc gia đình mình năm mới no đủ để bố bớt phải đi thồ, mẹ bớt chạy chợ ngược xuôi.

Anh trưởng nhận được một tràng vỗ tay của đại gia đình, anh đến bàn thờ thắp hương. Bà lọ mọ lấy trong váy áo ra một cái túi vải, dây nó dính với cạp quần, bà cẩn thận mở ra, từng lớp túi bóng, lớp vải, lại lớp giấy thếp màu đen có dây nịt lại, bà lại mở thêm nữa… đến khi nó mỏng nhất thì anh em chúng tôi được hai hào mừng tuổi.

Xuân năm 1992. Ảnh: Lê Văn Tám

Xuân năm 1992 - Ảnh: Tác giả cung cấp

Ôi! Thật ấm áp tình thương của bà…

Bà là lời ru, là câu ca, là cánh cò… là con đò, là cái nôi nuôi dưỡng tuổi thơ chúng tôi. Ngoài kia con sông ngược xuôi đôi dòng trong vắt, lũy tre làng tỏa mát đu đưa… những trưa hè trần trụi trên lưng trâu vi vu tiếng sáo... hồn quê tôi đó có tiếng ru của bà và mẹ.

- Bà chờ Tết mãi, nguồn thu từ hai sào su hào đấy các cháu, nhận cho bà vui - lời ông vang lên, rộn rã tiếng cười đầu năm vang vọng mãi...

Đẹ… rẹt… đùng… đùng… độp… bộp…

Tôi giật mình mở mắt vén mùng nhảy xuống đất, không dép guốc chạy vù ra sân nhặt pháo. Khói ngạt, mùi đất đèn chát chúa… nhưng cứ lao vào bất chấp. Tôi rình rập bánh pháo, mong cho nó xịt, đừng kêu... để nhặt nhiều pháo lép. Hết loạt pháo nhà này, lại nhà khác, rộ lên độp… độp, đì… đoàng.

Mùi rơm lúa mùa thơm mật, cảm giác tôi ngẩn ngơ lạ lẫm.

- Vào đón giao thừa đi các con - tiếng bố vang lên làm tôi tỉnh hẳn.

Vào nhà nhìn lên bàn thờ có hai bát nhang, mâm ngũ quả nhưng chỉ có chuối, dừa, mãng cầu gai… Sau lư hương là vách tường đất trộn rơm, không phải tường vữa trát gạch nung. Cũng chẳng nhìn thấy ông bà đâu, chẳng có miếng giò của bố hay đĩa xôi của mẹ…. trên bàn thờ chỉ có hộp mứt dừa, bọc hạt dưa, ít kẹo thèo lèo và hai đòn bánh tét.

Người tôi lạnh tê. Đưa tay quệt vệt mắt ướt, bỏ nắm pháo xịt lên bàn, tôi lơ mơ nhớ câu chuyện tối qua.

- “Ngủ đi, giao thừa mẹ gọi!”. Đúng rồi, mẹ dặn vậy, rồi bố mẹ kể chuyện tết quê, giọng mẹ lạc đi trong tiếng nấc, bố trầm ngâm nhìn qua phía bàn thờ, ông tôi mất khi gia đình vừa đi Nam kinh tế mới được hai năm, giờ không có di ảnh… khiến bố sụt sùi.

À! Không rõ mình thiêm thiếp gục vào giấc mơ Tết quê của bố mẹ khi nào mà được gặp ông cao sừng sững, bà mênh mông… thế nhỉ?

- Đi ngoại hả Na?

- Ừm, nội nữa.

- Ngoại mày đâu?

- Ngoài Bắc.

- Là ở đâu?

- Tao không biết, nghe nói xa lắm.

-6948-1674186026.jpg

Na và em tôi nói chuyện chờ tía nó lắp chèo, má nó tát nước xuồng. Rồi cả nhà nó chèo nhau về Kinh Chống Mỹ sum vầy Tết quê.

Ngồi thẩn ra trên cây củi lụt, anh em tôi nhìn hoài mái chèo tía thằng Na. Con nước dớn gồng mình đội chiếc xuồng be chín, má nó dùng bẹ chuối tát liền tay để xuồng nổi lên lướt theo dòng nước đen hối hả.

Chiếc xuồng xa dần, khuất tầm mắt mà anh em tôi cứ nhìn. Khát khao… ước ao được như thằng Na. Về ngoại, ghé nội ăn Tết ít ngày.

“Tết quê” ấy tôi gặp được ông bà, chẳng biết em tôi có vậy không? Chúng tôi đều không biết mặt ông bà sinh thành ra bố mẹ. Được một tuổi mẹ bế tôi vào Nam, rồi mẹ sinh hai em nữa, với tôi hình ảnh ông bà chỉ có vậy.

Tôi về quê cha đất tổ đón Tết, được thắp nén hương lên bàn thờ và di ảnh ông bà, nhưng vẫn chỉ chúng tôi với bố mẹ như hồi ở mảnh đất phương Nam. Bất giác, trong phảng phất hương khói tết, tôi nhớ đến giấc mơ Tết quê có đủ cả ba thế hệ sum vầy…

Lê Văn Tám