Tết lại về trên đất khách
Du lịch - Ngày đăng : 01:00, 22/01/2023
Em gái tôi sang Mỹ đã lâu, chớp mắt mười năm trôi qua mà chưa có dịp về thăm nhà. Bình thường không sao nhưng mỗi khi đến Tết là nó than: "Nhớ Việt Nam quá”.
Khu em tôi ở có nhiều người Việt, những thứ như bao lì xì, dưa hành củ kiệu, bánh chưng bánh tét không thiếu. Người xa xứ thường đau đáu nhớ về quê hương, Tết là dịp để họ ôn lại văn hóa truyền thống, hòa vào không khí lễ hội cho vơi nỗi nhớ nhà. Những năm trước em gái thường chụp rất nhiều ảnh gửi tôi xem.
"Đây là chợ Việt Nam. Em đang đi mua đồ về gói bánh chưng. Bên này không có lá dong, người ta gói bằng lá chuối. Bánh chưng bán ngoài chợ toàn nếp là nếp, chỉ có chút thịt và đậu xanh, lại là thịt nạc nên ăn bị khô. Đắn đo mãi em mới quyết định mua nguyên liệu về gói theo ý mình, ngày Tết có cái bánh chưng bày bàn thờ, gửi tặng bạn bè ăn Tết cho vui".
Ở Mỹ cũng có hoa mai, hoa đào, có cây quất, cây bưởi, phong lan, thược dược... đều là hàng tuyển chọn nên dáng rất đẹp, giá cao nhưng người ta không tiếc. Mỗi năm có một dịp Tết, ai cũng muốn trang hoàng nhà cửa cho tươm tất.
Ở nhiều thành phố các chợ hoa Xuân được bày ra sớm, từ ngày 23 âm lịch cũng người bán kẻ mua tấp nập. Đây là nét sinh hoạt văn hóa ngày Tết vẫn được lưu giữ của bà con người Việt ở Mỹ đang sống xa quê.
Tại những khu dân cư có người Việt sinh sống, những ngày Tết về, nhà nhà chăng đèn kết hoa, bày biện, dọn dẹp nhà cửa đón Xuân, kể cả hẹn hò nhau chung vui những bữa ăn uống, tụ tập nhân dịp tất niên, tân niên.
Đêm giao thừa ở Mỹ, nhà chùa, nhà thờ, thánh thất đều mở cửa tổ chức đón năm mới theo phong tục Tết cổ truyền. Mọi người cũng đến xin xăm, hái lộc, count down (đếm ngược), đốt pháo hoa, văn nghệ mừng Xuân rộn ràng từ đêm 30 Tết đến tận rạng sáng ngày mồng một.
Khi chúng tôi còn bé, ngày mùng một nhà nhà rộn ràng tiếng pháo nổ, cả con hẻm đầy xác pháo hồng tươi. Bọn trẻ con nhặt xác pháo dưới đất tung lên trời, gió thổi bay lả tả như cơn mưa hoa, rất đẹp. Rồi nhà nước không cho đốt pháo nữa, những hình ảnh đó chỉ còn trong ký ức và mấy tấm ảnh nhỏ ở album. Năm đầu tiên ăn Tết ở Mỹ, em gái gửi về một đoạn phim ngắn quay cảnh đốt pháo ở nhà hàng xóm. Tiếng pháo râm ran, trẻ con người Mỹ người Việt bịt tai, miệng cười tươi rói... Pháo đốt xong mọi người ôm nhau chúc mừng năm mới, người lớn lì xì cho bọn trẻ rồi cùng nhau đi chùa xin lộc.
"Không khác gì Việt Nam chị ạ, làm em càng thêm nhớ bố mẹ, nhớ chị em...".
"Ngày Tết đừng khóc nhè, cả năm sẽ không may", tôi nhắc nhở. Chớp mắt mà em tôi đã trải qua mười cái Tết nơi đất khách, từ một cô bé 19 tuổi nay đã có gia đình, có một công chúa nhỏ tên Medina.
"Em nói chuyện với Medina bằng tiếng Việt, sau này mong con bé cũng nói tiếng Việt rành rẽ”.
Zack - em rể tôi là người yêu thích văn hóa truyền thống. Năm ngoái cả nhà mặc áo dài đi chùa, Zack cũng thắp nhang, khấn vái, xin quẻ, lại học câu chúc năm mới bằng tiếng Việt để gọi về chúc Tết anh chị em và mẹ vợ.
"Anh ấy nói mọi giá trị văn hóa đều có giá trị lớn và cần được giữ gìn", em tôi cười bảo.
"Đúng đó. Ở đâu cũng vậy, chỉ cần người Việt vẫn nhớ phong tục tập quán quê nhà, ra sức truyền lại cho thế hệ sau thì không sợ mất gốc, không sợ bọn trẻ quên đất tổ quê cha."
"Nhưng em vẫn muốn về Việt Nam ăn Tết... Ở bên này đầy đủ cách mấy, chuẩn bị tươm tất cách mấy cũng không bằng về nhà. Nhiều đêm em nằm mơ thấy mình ngồi gói bánh với mẹ và chị, xung quanh là lá dong, gạo nếp, đậu xanh, dây lạt... Gói xong bắc cái nồi to nấu bánh, cả đêm không ai ngủ tụm vào chơi cờ cá ngựa, vui ơi là vui. Tỉnh dậy không kìm được, nước mắt chảy xuống ướt cả gối...".
Những điều tưởng như giản đơn nhỏ bé, năm nào tôi cũng trải qua nhưng với em gái lại trở nên xa xỉ vì khoảng cách địa lí, vì công việc bộn bề, vì con nhỏ... Và ở nơi xa xôi đó còn biết bao người Việt xa xứ cũng đau đáu nỗi nhớ quê, bao năm không có dịp trở về. Tết đến, nỗi nhớ càng nhân lên gấp bội...
Thế mới biết trong cuộc đời mỗi người có trăm ngàn con đường để đi, nhưng chỉ có một con đường bình yên nhất - đó là đường về nhà. Nhất là ngày Tết.
Lại một cái Tết ngấp nghé sau khung cửa, mong rằng những đứa con đi xa kịp chuẩn bị hành trang về ăn bữa cơm sum họp. Ngày Tết, cái đủ đầy nhất chính là nhìn thấy gương mặt người thân...