Chiếc áo dài làm nên thương hiệu Việt cho doanh nhân

Đời thường - Ngày đăng : 01:00, 22/01/2023

Xuống phố ngày đầu năm, hình ảnh mà nhiều người chúng ta nhìn thấy nhất chính là chiếc áo dài tung bay phất phới trong gió xuân, trong nắng vàng, và trong nụ cười tươi thắm trên môi mọi người. Mùa xuân cũng có thể nói là mùa của áo dài.

Có dịp ra khu trung tâm thành phố vào ngày đầu năm bỗng thấy áo dài rợp trời giữa Đường hoa Nguyễn Huệ. Từ người lớn cho đến trẻ em, từ cụ ông cụ bà cho đến những người ngoại quốc. Dường như chiếc áo dài quốc phục tôn dáng Xuân cho cánh chị em phụ nữ. Cũng chính chiếc áo dài đó nhưng được may đo theo phong cách nam giới lại khiến các đấng mày râu trở nên thanh lịch. 

Thạc sĩ Lê Hoài Việt - Giảng viên Khoa Marketing - ĐH Mở TP.HCM từ lâu đã chọn áo dài du Xuân và sắm Tết

Thạc sĩ Lê Hoài Việt - Giảng viên Khoa Marketing - ĐH Mở TP.HCM từ lâu đã chọn áo dài du Xuân và sắm Tết

Những năm gần đây, áo dài trở thành trang phục phổ biến trong đời sống thị dân và mỗi độ Xuân sang Tết đến, áo dài được nhiều người chọn lựa trong những ngày đầu năm. Dần dà chiếc áo dài trở thành bộ trang phục được thiết kế chăm chút từ kiểu dáng, chất liệu vải, họa tiết in; rồi còn áo dài thêu, đính đá, đính cườm…thật lộng lẫy và phù hợp với nhiều buổi lễ, tiệc, chiêu đãi, ra mắt… Rất nhiều sự kiện trong cuộc đời của mỗi người hiện nay họ đều chọn áo dài làm trang phục chính -  khi muốn thể hiện sự trang trọng, nhã nhặn. 

Điều đặc biệt là trong số đó, giới doanh nhân cũng chọn áo dài làm trang phục chính thức của nhiều sự kiện khai trương, ra mắt, ký kết hợp đồng, hội nghị, hội thảo. 

z4056057037143-8fa4dd9d67a746666dc97d85e

Ông chủ Phúc Sinh Group - Phan Minh Thông tự tin khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống để đoán Tết cùng bạn bè, đối tác

Khi khoác lên mình chiếc áo dài, doanh nhân mang trong lòng niềm tự hào dân tộc nhất là khi họ tham dự những sự kiện có khách quốc tế. Sự giao thoa văn hóa và hòa nhập văn hóa trên mảnh đất Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM chính là một điểm độc đáo mang màu sắc bản địa. Trong cả nước, không nơi nào có du khách và người ngoại quốc sinh sống đông như TP.HCM, và cũng không nơi nào có nhiều sự kiện của giới doanh nhân như ở đây. Chính nền kinh tế nhộn nhịp của TP.HCM là môi trường tốt để lan truyền nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. 

Gia đình doanh nhân trẻ Cao Tuấn Anh (Tuấn Hùng Shoes) diện áo dài đón Tết

Gia đình doanh nhân trẻ Cao Anh Tuấn (Tuấn Hùng Shoes) diện áo dài đón Tết

Nhớ lại, ngày 7/10/2022, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM và Bảo tàng Áo Dài đã tổ chức Tọa đàm “Doanh nhân với áo dài truyền thống” nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 - ngày tôn vinh giới doanh nhân Việt Nam, điều này cho thấy tầm quan trọng và sứ mệnh phổ biến chiếc áo dài của doanh nhân. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nhân ngoại quốc khi đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh cũng ý thức được việc “nhập gia tùy tục” nên cũng diện lên mình chiếc áo dài Việt Nam trong các lễ ký kết hoặc các buổi tiệc chiêu đãi. 

Thương trường vốn dĩ là “chiến trường” nhưng cũng chính là môi trường, không chỉ trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ mà còn có trao đổi văn hóa. 

Ông Lê Thành Vinh - Tổng giám đốc Nhatviet Logistics tự hào khi khoác lên mình bộ quốc phục

Ông Lê Thành Vinh - Tổng giám đốc Nhatviet Logistics tự hào khi khoác lên mình bộ áo dài

Doanh nhân diện áo dài không còn là câu chuyện tùy hứng theo sở thích mà kỳ thực chính là một nét văn hóa đặc biệt để nhận dạng doanh nhân Việt trên thương trường quốc tế. Giữa những người cùng tham dự một sự kiện quốc tế, chính chiếc áo dài sẽ là điểm nhận diện của “thương hiệu doanh nhân Việt Nam”. Và thử tưởng tượng giữa “rừng người” châu Á có mặt tại một sự kiện, mọi người đều nhận ra một doanh nhân Việt Nam mà không nhầm lẫn với một quốc gia nào đó cũng có ngoại hình tương đồng như Thái Lan, Trung Quốc thì đây chính là điều tự hào và hãnh diện. 

Tôi có người bạn kinh doanh ẩm thực với chuỗi nhà hàng món ăn Việt, khi đến một sự kiện của ngành Food & Beverage, chị diện một bộ áo dài may bằng vải lãnh Mỹ A khiến mọi người trầm trồ và luôn có ánh nhìn dõi theo chị. Sự kiện quốc tế hằng năm ấy thu hút rất nhiều nước trên thế giới tham dự, nhưng ngay từ cái cười chào và bắt tay xã giao, mọi người đều biết chị đến từ Việt Nam, dù chị chưa kịp mở lời giới thiệu về mình. 

Theo doanh nhân Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐQT Công ty Mebiph, doanh nhân mặc áo dài không chỉ gìn giữ nếp xưa mà còn quảng bá văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế

Theo doanh nhân Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐQT Công ty Mebipha, doanh nhân mặc áo dài không chỉ gìn giữ nếp xưa mà còn quảng bá văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế

Những lần sau đó, mỗi khi đến với sự kiện thường niên này, chị luôn chọn lựa cẩn thận một bộ áo dài thật đẹp và sang trọng, khi thì may bằng vải the, lúc lại may bằng lụa tơ tằm, lần mới nhất là lụa dệt bằng tơ của sen. Chiếc áo dài trở thành “thương hiệu riêng” của chị, giúp chị trở nên đặc biệt và luôn nhận được sự mong ngóng từ các đối tác quen thuộc. Cũng chính chị chia sẻ, những lần đối tác ngoại quốc sang Việt Nam, chị luôn tặng cho họ một bộ áo dài, họ vô cùng thích thú và trân trọng. 

Doanh nhân Đặng Thu Thủy - Chủ chuỗi Nhà hàng Bếp nhà Lục Tỉnh - Bếp nhà xứ Quảng trong trang phục áo dài ngày đầu năm

Doanh nhân Đặng Thu Thủy - Chủ chuỗi Nhà hàng Bếp nhà Lục Tỉnh - Bếp nhà xứ Quảng trong trang phục áo dài ngày đầu năm

Áo dài giờ đây đã là thứ quà tặng quí giá cho khách hàng, bạn bè quốc tế. Sự quí giá không nằm ở vật chất mà nằm ở tinh thần. Một dân tộc biết tự hào về nét tinh hoa truyền thống, biết gìn giữ và phát huy bản sắc của mình thì dân tộc ấy mãi trường tồn. Chính bản sắc ấy làm nên thương hiệu Việt Nam.

Và doanh nhân sẽ là giới có nhiều cơ hội quảng bá vẻ đẹp thanh lịch của chiếc áo dài sẽ hơn tất cả các giới khác trong xã hội.  

Nhà văn Tống Phước Bảo