Nghe như có mùi Tết…
Đời thường - Ngày đăng : 01:00, 26/01/2023
Với xóm nhỏ loi thoi mấy chục nóc nhà, đa số là dân “kinh tế mới” còn trụ lại sau khi được chia đất và cấp sổ đỏ, Tết đến xuân về vẫn là sự kiện được mọi người chào đón hứng khởi nhất. Điều ấy được nhân lên nhiều lần đối với chúng tôi - mấy đứa trẻ con lóc nhóc đang tuổi mê chơi hơn mê học.
Cái sự háo hức với Tết thuở nhỏ như thế, kể ra nó cũng có nhiều lý do.
Lý do đầu tiên phải nhắc đến là Tết về, chúng tôi không bị áp lực học hành nên đứa nào đứa nấy lượn khắp xóm, tung tăng hú gọi nhau, ra rả tụ bạ, vui chơi thoả thích.
Một điểm thú vị nữa là lúc ấy đối với tuổi thơ chúng tôi, Tết về thì lẽ đương nhiên có pháo nổ - thời kỳ đó Nhà nước chưa cấm pháo - rồi chơi với pháo đùng đoàng cả ngày lẫn đêm. Mùi diêm sinh quyện cả trong giấc ngủ. Sự hân hoan kéo theo những đôi chân chạy nhảy, mồ hôi mồ kê nhễ nhại cũng mặc kệ. Cả ngày vui chơi mà không hề thấy mệt.
Và cũng phải thú thật rằng, Tết có đến thì lũ trẻ lít nhít chúng tôi mới có cơ hội thưởng thức những món ăn ngon được mẹ nấu. Các loại thịt. Vâng, và cũng chỉ loanh quanh hai ba loại, như thịt gà, thịt vịt, thịt heo, nhưng lúc đó đối với chúng tôi đã là cả một thiên đường ẩm thực. Nói cho đúng thì cả năm chúng tôi chỉ đôi ba lần được ăn thịt heo, còn thịt gà thì thường được ăn hơn vì nhà nuôi sẵn.
Lúc ấy, ngày thường, nhà ai nuôi heo đã trọng trọng thì sẽ đi hú khắp làng trên xóm dưới đến để chia thịt cùng, gọi là đánh đụng heo. Và thường đổi bằng lúa chứ ít khi trả bằng tiền mặt. Song, ăn đụng heo cũng chỉ năm thì mười họa, dẫu ít nhưng vẫn có. Duy bánh chưng thì chỉ Tết mới được ăn. Nên háo hức Tết được ăn bánh chưng vẫn là cái háo hức đáng nhớ nhất. Bởi với bánh chưng, đối với chúng tôi, luôn được xem là món ăn ngon nhất, gần gũi thân thương nhất. Hơn nữa, chính nhờ việc gói bánh chưng Tết mà chúng tôi có được nhiều ký ức nồng đượm sâu sắc nhất.
Ảnh:Internet |
Ban đầu là việc đi róc lá chuối. Mấy chị em tôi luôn được bố mẹ giao cho công việc ấy. Nhận việc mà hân hoan khôn tả. Lúc ấy, chuối được trồng bạt ngàn trên những bờ kênh. Tha hồ mà chọn lựa. Đôi khi được ăn cả chuối chín cây, ngọt lừ.
Không khí gói bánh chưng Tết quả rất vui, rộn ràng cả xóm. Chả ai hẹn ai, nhưng như đã thành thông lệ, sáng 30 là cả xóm bày ra nào lá chuối, lá dong, nào gạo nếp và thịt heo ba chỉ đã ướp sẵn. Có muốn gói bánh sớm cũng chả được, vì khi ấy lấy đâu ra thịt heo mà làm nhân bánh.
Ngày gói bánh chưng Tết cứ như là ngày hội. Dân làng vần công gói bánh. Cái nồi lớn luộc mười lăm hai mươi cái bánh chưng thì chỉ vài nhà có, thế là lại phải thay phiên nhau. Cho nên, việc gói bánh “vần công” lại được dịp tha hồ rôm rả chuyện trò, lại thêm sâu nặng tình làng nghĩa xóm.
Ba ngày Tết là ba ngày thỏa thuê vui chơi. Nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong xóm trong làng, chứ chúng tôi rất ít được đi xa. Thế là chúng tôi cứ đi lòng vòng làng trên xóm dưới, về, thấy ngót bụng là bóc bánh chưng. Thú thật, lúc ấy chúng tôi luôn có cảm giác bánh chưng là miếng ngon nhất trên đời, nó mời gọi, nó dẫn dụ, nó mê đắm.
Ảnh:Internet |
Tôi thích tự mình bóc bánh chưng, cắt bánh chưng bằng lạt, và đã thành thạo từ khi còn nhỏ. Đương nhiên là mẹ tôi chỉ dạy. Phải để dây lạt đã tước nhỏ trên mặt bánh sao cho khi lật úp chiếc bánh là dễ dàng kéo hai đầu dây cắt làm tám phần như nhau.
Mùi bánh chưng đã ám ảnh tôi, đến nỗi khi ngửi thấy hương bánh ai đó luộc phảng phất là tôi tưởng như có “mùi Tết”, đến độ, bạn bè tôi có đứa gắt lên, mày thì cái gì cũng Tết.
Sau này, cuộc sống đã thay đổi nhiều, cho dù các món ăn của ngày Tết có đa dạng và ngon lành đến đâu, tôi vẫn không sao quên được hương vị bánh chưng gia đình tự gói ngày ấy. Nó là một phần ký ức đời tôi.