Nghe kỷ lục gia người Việt toàn cầu kể chuyện làm đàn đá
Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 26/01/2023
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu biểu diễn trên bộ đàn đá 20 tấn ở Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo |
Những bộ đàn đá đặt ở các địa danh trên có trọng lượng lên đến 5 tấn, được chế tác từ một loại đá ở Đắk Lắk. Người thưởng lãm chắc cũng khó hình dung công việc của người chế tác khi mỗi thanh đá (nốt nhạc) có trọng lượng từ 400-500kg.
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu sinh năm 1962 ở Sài Gòn, theo học ngành công an, sau khi tốt nghiệp về công tác tại Phòng Quản lý hành chính Công an TP.HCM. Rồi tình yêu âm nhạc đã đưa ông sang một lối rẽ khác: nghiên cứu, chế tác và giảng dạy các loại nhạc cụ dân tộc. Ông biết chơi hơn 100 loại nhạc cụ, có thể phối khí cùng lúc 10 loại nhạc cụ. Năm 2012, ông được Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông công nhận là "Người biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng lúc nhất Việt Nam". Năm 2022, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục gia Việt Nam và Kỷ lục gia người Việt toàn cầu, qua những bộ đàn đá mà ông chế tác.
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu nhớ lại: "Ba mươi năm trước, khi GS. Trần Văn Khê từ Pháp về nước, tôi đã được tham gia bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam cùng thầy. Ở thời điểm đó, đàn đá, cồng chiêng còn rất ít. Những bộ đàn đá cổ được tìm thấy hoặc được chế tác thường chỉ dùng làm vật trang trí, chưa được quan tâm bảo tồn. Tôi quyết tâm đi tìm vật liệu để làm những bộ đàn đá với tham vọng truyền bá và bảo tồn. Hơn chục năm đi đến nhiều nơi trên đất nước, sang cả Trung Quốc, Nepal, Indonesia, cuối cùng tôi phát hiện một loại đá cây phát ra âm thanh độc đáo trong rẫy của người dân ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tôi đã mua chúng về nghiên cứu và chế tác thành đàn đá. Một trăm bộ đàn đá đầu tiên tôi đã tặng cho nhà thiếu nhi nhiều tỉnh, thành, trong đó bộ lớn nhất nặng 3 tấn tặng cho Nhà Thiếu nhi TP.HCM, đang được trưng bày tại số 169Đ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Sau đó, tôi sản xuất thêm một số bộ nhỏ hơn phục vụ giảng dạy tại TP.HCM và các tỉnh bạn".
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thăm và tặng sách nghệ nhân Trương Đình Chiếu dịp Tết 2022 |
Đàn đá là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng những thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Theo NSND Đỗ Lộc, cho đến nay, ngoài Việt Nam, thế giới chưa có đàn đá đúng nghĩa. Ở một số tộc người châu Phi, Ấn Độ, Trung Hoa cổ đã xuất hiện những thanh đá phát ra âm thanh, nhưng đó chỉ là những "khánh" đá có âm vực đơn giản, không đủ khả năng diễn tấu như các bộ đàn đá tìm thấy ở Việt Nam.
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu kể: "Thanh đá muốn phát ra âm đúng nốt nhạc phải có sự tác động của con người. Nhưng việc cưa, mài, đục không khéo khiến cho thanh đá bị nứt ở trong, dẫn đến mất âm, từ chuyên môn gọi là "câm". Làm đi làm lại không được, có lúc tôi đã muốn bỏ cuộc. Khi GS. Trần Văn Khê mất, tôi càng quyết phải hoàn thành những bộ đàn đá, vì bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là tâm nguyện của thầy. Cuối cùng, tôi tìm ra được phương pháp mài đá trong nước. Nước có tác dụng làm "mềm" đá và khi thêm một số hóa chất thì việc mài khá thuận lợi, đá không bị nứt khi bị tác động mạnh, âm lại rất hay. Tôi xem, gõ, thẩm âm từng thanh đá, đánh dấu cho thợ mài. Mài, rồi thẩm âm, rồi mài tiếp, lại thẩm âm. Nhiều lần không được thì phải bỏ. Thường phải mài 5 tảng đá lớn mới được một nốt nhạc, thời gian hoàn thiện một bộ đàn đá có khi đến hai năm".
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tháng 2/1949, một nhóm thợ làm đường ở khu vực Tây Nguyên đã phát hiện bộ đàn đá đầu tiên tại làng Ndut Lieng Krak, tỉnh Đắk Lắk, có niên đại từ ba đến năm nghìn năm. Bộ đàn đá này là một tập hợp gồm 11 phiến đá lớn gần như còn nguyên vẹn, xếp gần nhau theo phương thẳng đứng. Chúng dài từ 65-110cm và có dấu hiệu bị đục đẽo. Đến cuối những năm 1980, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy khoảng 200 thanh đàn đá nằm rải rác ở Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Phú Yên. Trong đó, bộ đàn đá lớn nhất được phát hiện ở tỉnh Lâm Đồng vào năm 2003.
Đàn đá vốn được xem là linh hồn của các dân tộc ở Tây Nguyên, đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Theo nghệ nhân Trương Đình Chiếu, đàn đá có thể hòa âm và biểu diễn chung với tất cả các loại nhạc cụ trên thế giới.
Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng ở sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) hiện trưng bày ba bộ đàn đá do nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng, trong đó có bộ đàn đá 20 tấn, đã được xác lập kỷ lục "Bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam". Để có bộ đàn đá này, nghệ nhân Trương Đình Chiếu cho biết, ông cùng một người em đã phải làm việc liên tục trong hơn 6 tháng, phải mua một chiếc xe cẩu để di chuyển những phiến đá nặng đến gần 1 tấn khi chưa mài. Bộ đàn đá này có 20 thanh, thanh nhẹ nhất 250kg, nặng nhất 400kg. Để diễn tấu, phải có 4 người đánh cùng lúc.
Một xưởng chế tác đàn đá của nghệ nhân Trương Đình Chiếu tại TP. Trà Vinh. Ảnh: Ngọc Dũng |
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã trực tiếp dạy cho con em đồng bào Stiêng cách đánh đàn đá, khơi dậy tình yêu và niềm tự hào đối với văn hóa truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. Đây cũng là việc ông thực hiện ở những nơi ông tặng đàn đá.
Nghệ nhân cho biết, sau hơn 5 năm chuyên tâm vào việc nghiên cứu và chế tác đàn đá, ông đã tặng 320 bộ đàn đá cho các nhà thiếu nhi, trường học, bảo tàng, cơ quan nhà nước và điểm văn hóa của các địa phương ở nhiều tỉnh, thành. Và một trong những điều mà ông tự xem là thành quả đáng mừng nhất là từ những lớp hướng dẫn của ông, đã có hơn 200 thanh thiếu niên biết đánh đàn đá.
Xưởng chế tác đàn đá của nghệ nhân Trương Đình Chiếu hiện đặt tại Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông cho biết đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, tuy nhiên nguyên liệu đá không còn nhiều nên ưu tiên chế tác cho các khu văn hóa - lịch sử ở các địa phương, như khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long), khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (Bến Tre), làng văn hóa 54 dân tộc (Hà Nội).
“Mỗi nốt nhạc như một đứa con tinh thần. Nên khi hoàn thành tôi mừng lắm, hết sức nâng niu nó. Khi 16 “đứa” (16 nốt nhạc trong một bộ đàn – NV) hình thành rồi thì như một đại gia đình, có thể mang đi trình diễn với thế giới”, nghệ nhân Trương Đình Chiếu chia sẻ, và cũng không giấu niềm mong mỏi tìm được truyền nhân, để đàn đá sẽ trở thành nhạc cụ được phổ biến rộng rãi hơn và thêm nhiều nghệ sĩ đàn đá mang âm hưởng núi rừng Tây Nguyên hùng tráng đến khắp mọi miền đất nước cũng như giới thiệu với bạn bè quốc tế…