Kinh tế xanh: Hãy hành động!
Doanh nhân viết - Ngày đăng : 01:00, 27/01/2023
Từ trái đất xanh đến nền kinh tế xanh
Biến đổi khí hậu đang ngày càng gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng ở khắp nơi trên trái đất: lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, khói bụi... Không mấy quốc gia nằm ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đó.
Đặc biệt, với Việt Nam, những tác động mà biến đổi khí hậu gây ra đã khiến cho tất cả ngành nghề đứng trước những thách thức và rủi ro vô cùng lớn. Nhiệt độ và lượng mưa thay đổi, nước biển dâng... một bộ phận đất đai ven biển bị nước biển xâm thực, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục triệu người. Ngập lụt xuất hiện khi có bão và gây lũ lụt thường xuyên; hạn hán và nguy cơ cháy rừng tăng, gây sức ép nghiêm trọng lên nhiều cánh rừng, đầm lầy, vùng núi cao và các hệ sinh thái tự nhiên, ảnh hưởng tới ngành sản xuất lương thực...
Để cứu trái đất khỏi thảm họa bị chính bàn tay con người tàn phá, từ hơn chục năm về trước, năm 2010, chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc đã đưa ra thuật ngữ kinh tế xanh (Green Economy) nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên.
Theo đó, kinh tế xanh là sự kết hợp giữa ba thành tố: kinh tế - xã hội - môi trường, có nghĩa đó là những hoạt động kinh tế tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người, đặc biệt là yếu tố văn hóa, đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường. Ba yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.
Nền kinh tế xanh là nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển bền vững và kiến thức về kinh tế học sinh thái. Trong đó, nền kinh tế tạo ra một hệ sinh thái cân bằng, không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn giúp tái tạo môi trường và giúp con người hướng tới một nền văn hóa vì cộng đồng, vì sự trường tồn của nhiều thế hệ.
Sự nhập cuộc của Việt Nam, quốc gia có trách nhiệm
Với Việt Nam, dẫu chưa phải là nước phát triển nhưng Nhà nước Việt Nam đã xác định rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong những năm qua. Trong đó, mục tiêu đặt ra là kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ năm 2021-2030, với mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, thân thiện với môi trường cũng như tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cũng như cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính, phát triển xã hội ít carbon.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể. Các chương trình ứng dụng vào thực tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực như quy trình thực hành nông nghiệp tốt, quy trình tưới tiêu tiết kiệm nước... Ngoài ra, lối sống xanh và tiêu dùng bền vững cũng được người tiêu dùng áp dụng trong mua sắm và sử dụng sản phẩm.
Với nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và năng lượng gió phong phú, Việt Nam là nước có tiềm năng chuyển đổi xanh lớn nhất trong khu vực và sẽ là một trung tâm về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Hiện Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới và thu hút dòng vốn FDI bền vững, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và ít phát thải khí nhà kính...
Cùng với những chính sách thông thoáng của Nhà nước, Việt Nam đã thu hút hàng trăm dự án năng lượng tái tạo với tổng trị giá nhiều chục tỷ USD. Một số doanh nghiệp tiên phong có thể kể đến: Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam; Công ty CP Tập đoàn T&T; Tập đoàn Super Energy; Công ty CP Đầu tư Hacom Holdings...
Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững. Cùng với những thuận lợi, việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam là những khó khăn, thách thức.
Và sự vào cuộc của toàn xã hội
Dẫu đã đạt được một số thành tựu nhất định, con đường tiến tới nền kinh tế xanh cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức về kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn mới, chưa rõ ràng, đòi hỏi phải tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong xã hội, từ lãnh đạo đến các doanh nghiệp và người dân. Một phần do trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi, sử dụng tài nguyên còn lãng phí, môi trường đang xuống cấp, các ngành kinh tế sử dụng nhiều tài nguyên đang chiếm tỷ trọng cao.
Chương trình “Hãy làm sạch biển - Tử tế với đại dương”, một sáng kiến của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã thu hút sự tham gia của cộng đồng ven biển tại chính địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển cũng như giữ gìn hệ sinh thái ven biển. Hằng năm, Đoàn thanh niên các tỉnh ven biển đã tổ chức lễ ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những hoạt động như vậy không chỉ là việc trực tiếp làm sạch môi trường mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các đoàn viên, thanh thiếu niên, nhi đồng và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu; làm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nilon khó phân hủy để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với việc huy động mọi nguồn lực trong nước, Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài. Việc thu hút nguồn vốn nước ngoài không chỉ góp phần phát triển kinh tế xanh mà còn giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi được kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam cũng đang xây dựng tiêu chí chặt chẽ để lựa chọn những dự án đầu tư thực sự có hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường xanh và bền vững.