Xuất khẩu dệt may đặt mục tiêu 48 tỷ USD năm 2023
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:39, 27/01/2023
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 47 tỷ USD. Con số 44 tỷ USD là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Trong 6 tháng cuối năm 2022, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh, đến quý IV, đơn hàng đã giảm đến 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu.
Năm 2023, kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu dệt may thế giới dự kiến khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Trong bối cảnh đó, bài học từ năm 2022 đã buộc doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi và đặc biệt đa dạng hóa thị trường.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) vẫn tự tin cho rằng, các doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai các giải pháp, phấn đấu mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu 48 tỷ USD trong năm 2023 dù nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, khó lường trong năm tới.
Ngành dệt may hướng đến xây dựng cung ứng trọn gói, nâng cấp vị thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, tăng cường sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn. Một yếu tố quan trọng làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước. Hiện ngành dệt may đã chủ động từ khoảng 50% nguồn cung nguyên phụ liệu. Phần còn lại chủ yếu là nguyên phụ liệu kỹ thuật cao nên vẫn phải nhập khẩu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Phấn đấu giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6,8-7%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7,2-7,7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hai ngành năm 2025 đạt 77-80 tỷ USD, năm 2030 đạt 106-108 tỷ USD.
Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển ngành dệt may và da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày hàng đầu thế giới.