Ăn Tết Sài Gòn, phong vị xưa và nay

Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 28/01/2023

Cuộc sống mỗi ngày thêm đủ đầy, hiện đại hơn, thế nhưng ai đã từng đi qua thời gian sẽ luôn dành góc riêng cho mình cùng những hoài niệm. Tết Sài Gòn cũng vậy, theo thời gian cũng dần thay đổi dáng hình, mang đến những dòng cảm xúc khác biệt giữa xưa và nay.
-6908-1674024372.jpg

Cánh Xuân đã vỗ, không khí náo nức đã lan rộng khắp phố phường, người người nhà nhà tất bật sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng, sum họp... Một cái Tết nữa đang đến gần như cơn gió thoảng qua nhanh đến không tưởng.

Người thành thị ăn Tết khác người ở nông thôn; người miền xuôi ăn Tết khác người miền ngược. Và ngay tại "Hòn ngọc Viễn Đông" Sài Gòn, Tết về cũng rất khác, rất lạ so với các vùng miền khác. Thậm chí, nó khiến người ta đôi khi cũng phải bồi hồi, thổn thức khi nhìn lại mùa Xuân hôm nay so với mùa Xuân của những ngày xưa cũ.

Nhớ lại không khí Tết của những năm 80, người Sài Gòn thường trẩy hội từ 23 tháng chạp cho đến giao thừa. Phố xá tấp nập với dòng người nô nức đi sắm Tết, với tiếng trống tùng cắc tùng của những xe ba bánh bán đầu lân, bán mặt nạ ông địa, bán trống nhỏ; với tiếng pháo lẻ nổ đì đùng trên phố; với những chiếc xe lam bành bạch nhả khói; với hình ảnh các cụ, các mẹ ngồi trên xe xích lô chở đầy bánh trái, hoa quả để về sửa soạn đón Tết.

-3849-1674024373.jpg

Tết xưa mang phong vị đậm đà của xác pháo, của quần áo mới, của mứt Tết, của những nồi bánh được nấu trước cửa nhà... Tất cả hòa quyện vào không khí náo nhiệt nhưng thật ấm cúng giữa cái đất phồn hoa đô hội.

Giờ đây, người Sài thành lại ăn Tết sớm hơn, cứ độ từ Giáng sinh và Tết dương lịch là không khí nhộn nhịp đã hừng hực khắp phố phường. Rồi khi đã vào mùng thì Sài Gòn như chìm vào giấc ngủ, quay ngoắt sang thành một không gian bình yên đến lạ thường. Người ta thường nói vui rằng: "Chỉ có đến Tết thì Sài Gòn mới trở về với người Sài Gòn". Thật vậy, trải qua một khoảng thời gian dài vươn mình, Sài thành đã trở thành "miền đất hứa" của biết bao người, sẵn sàng dang tay ôm trọn những "đứa con" xa lạ. Cũng vì vậy mà vào dịp Tết, phố xá Sài Gòn nay mang lại cảm giác "im ắng" hơn xưa, bởi vắng đi tiếng xe cộ chen chúc quen thuộc. Chuyện sắm sửa, bếp núc cũng không còn là nỗi bận tâm của các gia đình khi cứ xuống đường là có siêu thị hay thuận tiện hơn là chỉ cần đặt ngay trên mạng là đã thỏa sức mua sắm.

Có chợ Xuân thì làm sao thiếu phố hoa Xuân. Trước đây, người ta hay ghé lên chợ hoa dọc đường Nguyễn Huệ, là chợ hoa lớn nhất miền Nam để sắm những cành mai, chậu cúc về nhà chưng Tết. Đi chợ hoa ngày Xuân không chỉ để mua hoa, mà còn để đắm mình trong không khí Tết bắt đầu len lỏi, chiếm lĩnh trong từng mảng nhỏ tâm hồn người.

Ngày nay, chợ hoa Nguyễn Huệ đã mang một diện mạo mới, trở thành đường hoa Nguyễn Huệ với những dải đường lót gạch hoa, đèn điện thắp sáng mọi bước chân. Mỗi dịp Xuân về còn thêm rực rỡ với đường hoa ngợp trời, dàn dựng sân khấu theo chủ đề từng năm. Dọc bến Bình Đông vào những ngày cuối năm, giờ đây vẫn còn hình ảnh tấp nập tàu bè buôn hoa từ muôn nẻo đổ về, vẹn nguyên cảm giác của những ngày tháng cũ.

-9975-1674024373.jpg

Sẽ mất đi hương vị của Tết nếu không có bánh tét. Ngày trước, chiều và đêm 30 Tết, dọc đường Trường Chinh và Cách mạng tháng Tám là thấp thoáng những nồi bánh đang đỏ lửa bằng bếp củi hoặc bếp than. Tết xưa còn thắm đượm tình xóm làng, bởi cả xóm cùng nhau nấu bánh, nhà góp gạo, nhà góp đậu, nhà góp thịt, nhà góp lá, nhà góp công... Trẻ con thì được giao trách nhiệm trông lửa. Tết nay, nồi bánh tét vẫn sôi sùng sục trước sân của nhiều gia đình, vẫn còn không khí ấm cúng, cả nhà quây quần tâm sự nhau nghe những chuyện buồn vui của một năm qua.

Tết đến Xuân về còn là dịp để hành hương cầu mong một năm mới tốt lành. Cho đến nay, người Sài Gòn vẫn giữ thói quen đến Lăng Ông Bà Chiểu, chùa Ông hoặc chùa Bà... để cầu may mắn, cầu bình an, cầu tình duyên, cầu gia đạo ngày đầu năm. Các tập tục chúc Tết, mừng tuổi, cúng tổ tiên, thăm mộ... vẫn được nhà nhà giữ gìn qua từng thế hệ.

Cái Tết năm nay tuy có khác năm xưa nhưng cốt lõi vẫn là những giá trị, kỷ niệm mà mỗi năm chỉ có một lần. Để rồi khi nhìn lại những hình ảnh đó, ta lại thêm yêu cái Tết rộn ràng, thêm mến mảnh đất Sài thành. 

Thanh Nghĩa