Gói ghém bao ngày Tết nơi quê nhà…
Đời thường - Ngày đăng : 01:00, 29/01/2023
Đồng hồ điểm 5 giờ chiều, hắn đọc lại một lượt những dòng chữ vừa đánh trên chiếc laptop. Hắn thầm nhủ, hôm nay tới đây thôi, mai làm tiếp. Đang loay hoay dọn dẹp bút giấy, tài liệu bừa bộn trên bàn thì có tiếng gọi:
- Về Tâm ơi, hết giờ rồi.
- Dạ, em dọn xong cái này rồi về liền, chị về trước đi.
- Ừ. Chị về trước để kịp rước tụi nhỏ.
Ảnh: Internet |
Bỗng hắn sựt nhớ còn chưa đầy tháng nữa là Tết. Chiếc xe máy của hắn hòa vào dòng người tấp nập hối hả sau giờ tan làm. Đường từ cơ quan về nhà, đi qua những con phố, những tấm bảng hiệu bằng đèn LED nhấp nháy, đủ sắc màu làm hoa cả mắt, cửa tiệm quần áo, quán cà phê đều đã dán decal hình hoa mai, hoa đào, bánh tét, bánh chưng, có cả thần tài và những đồng tiền vàng lấp lánh được sắp xếp thật bắt mắt. Cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy rộn rã mấy bản nhạc “Xuân ơi, xuân đã về”, “Tết, Tết, Tết đến rồi” át cả tiếng xe máy, tiếng còi ô tô, trái tim nhảy thình thịch thình thịch theo điệu nhạc.
Âm thanh, hình ảnh cùng khí trời lành lạnh hòa quyện vào nhau làm cho phố phường thấm đẫm vị Tết. Hắn cũng háo hức, nôn nao chờ Tết, chờ đến ngày được nghỉ về nhà đón năm mới với ba mẹ và thằng Út mà hễ gần cứ cự cãi suốt, đi xa lại nhớ. Những dòng hồi ức với Tết chạy ngang chạy dọc trong đầu. Tết, hắn nhớ những làn khói trắng xóa, nghi ngút lúc nhóm lò cho mẹ nấu món thịt kho hột vịt, thổi hì hà hì hụt mãi mới có lửa, tiếng nổ lách tách, sôi xì xì của mấy thanh củi còn ướt. Mùi khô cá lóc nướng đã chín trên đống than đỏ, tứa cả nước miếng, tính ăn vụng mấy miếng mà chưa kịp gì thì nghe tiếng ba, đem khô lên lẹ lẹ cho ba nhậu, lấy củ kiệu, tôm khô luôn, sẵn hai chị em đi mua nước đá với kêu thêm cho ba thùng bia. Nó dạ một tiếng thật dài trong sự tiếc nuối, thèm thuồng mấy con khô, còn cái mặt thì bí xị vì chưa xong chuyện này lại bị sai tới chuyện khác. Nó với thằng Út đèo nhau đi kêu nước đá với bia cho người ta chở qua nhà trước rồi đi mua thêm mấy thứ gia vị mẹ dặn.
Ảnh: Internet |
Cái thời học trung học, nó ghét Tết bởi mẹ giao hết việc này đến việc khác, nhất là dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Cây bàn chải đánh răng cũ chà hết những kẽ lớn, kẽ nhỏ của bộ salon, mấy khe cửa sổ đầy bồ hóng, đôi khi có xương của những con thằn lằn chết đã lâu, xong rồi thì quét mạng nhện trên trần nhà. Vậy mà có hết việc đâu. Những lần lặt lá mấy cây mai trước cổng, chẳng hiểu sâu núp ở đâu, bắn chất độc vào da thịt, vừa ngứa vừa đau.
Vậy mà hắn vẫn mong Tết. Nghe tụi bạn trong lớp khoe mới mua được mấy bộ để mặc mùng một, mùng hai, mùng ba, bộ đi thăm ngoại, bộ đi thăm thầy cô, xong hẹn nhau ra công viên gần trường ăn đá bào, hột vịt lộn, gỏi cuốn để bàn tiếp xem sẽ đến nhà đứa nào quậy tưng bừng trong những ngày nghỉ Tết.
Nghe phảng phất hương lúa trong nỗi nhớ da diết. Hắn nhớ con đường quen thuộc về nhà ngoại. Chiếc xe máy vừa đi khuất dãy nhà cấp 4 trong thị trấn, trước mặt hắn cánh đồng lúa rộng lớn rì rào cùng gió hiện ra, những bông lúa bắt đầu ngả vàng trải dọc con đường quê, bóng dáng ai đó đi thăm đồng nhấp nhô nón lá, tiếng nổ tành tạch của chiếc máy bơm chăm chỉ tưới nước cho đám ruộng xa bờ kinh. Chẳng hiểu thế nào mà hắn cười tủm tỉm trong những dòng ký ức miên man ấy rồi rơm rớm nước mắt, hắn ước, ước ngay lập tức được đắm chìm trong không gian ấy.
Bình dị vậy mà làm cho người tha phương cầu thực trông ngóng từng giờ để được về ăn bữa cơm gia đình vào những ngày Tết. Tết đối với hắn không chỉ là những ngày đầu của năm mới, không chỉ là dịp sum họp gia đình mà còn là chốn bình yên trọn vẹn nuôi lớn tâm hồn từ ngày còn là đứa trẻ con. Hắn gói gém cẩn thận bao ngày Tết quê nhà mang theo cùng tháng năm thăng trầm của cuộc đời để nuôi hy vọng về những ngày mai tươi mới…