ACB tăng trưởng vượt trội, tỷ lệ nợ xấu dưới 1% liên tiếp 7 năm

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:00, 31/01/2023

Kết thúc năm 2022, ACB đạt mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17,1 nghìn tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm; tín dụng đạt 413,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5%.
-4816-1675133523.jpg

Cùng với tăng trưởng bền vững về lợi nhuận, ACB tiếp tục khẳng định thế mạnh ở chất lượng tài sản vượt trội khi tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,74% - thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng. Đặc biệt ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%. Bên cạnh đó, ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường có danh mục đầu tư trái phiếu rất an toàn, chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp.

ACB được đánh giá là ngân hàng có mô hình quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế khi hoàn thành BASEL III và ILAAP vào năm 2022. Trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động về thanh khoản, lãi suất trong năm qua, ACB vẫn kết thúc năm với tất cả các chỉ số an toàn thanh khoản rất tốt. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20%. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12,2% và 12,8%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và cả khi thị trường căng thẳng.

Nhờ thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng cũng như áp dụng vào danh mục sản phẩm/dịch vụ ngân hàng số, ACB tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn và thúc đẩy doanh số giao dịch online tăng 60%. Trong năm qua ACB cũng đã chào đón thêm hơn 1 triệu khách hàng mới. 

Hoàng Dung