Điện khí hóa và giảm phát thải là ưu tiên toàn cầu năm 2023
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 02/02/2023
Mới đây, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tham dự "Tuần lễ phát triển bền vững Abu Dhabi", là sự kiện khởi động cho một năm mới với chuỗi các sự kiện hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc (COP28) do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tổ chức vào cuối năm nay.
Tiếp nối thành công của COP27 tại Ai Cập, những sự kiện này sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tích cực ở những thị trường mới nổi như khu vực ASEAN và trên toàn thế giới trong thập kỷ tới. Có thể thấy tâm điểm của các sự kiện sắp tới có mối liên hệ chặt chẽ với hai ưu tiên chính trong năm 2023: điện khí hóa và giảm phát thải. Theo đó, các lĩnh vực tư nhân và chính phủ phải hợp tác để đạt được tiến bộ song song trong cả hai mục tiêu: tăng cường khả năng tiếp cận điện và giảm phát thải trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải và công nghiệp.
Điện khí hóa
Bước sang năm mới, khả năng tiếp cận nguồn điện ổn định, vừa túi tiền và bền vững là ưu tiên hàng đầu của hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là theo cách chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay, gần 775 triệu người không có điện để sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi họ có thể sử dụng điện, thời tiết cực đoan, xung đột vũ trang, an ninh mạng và nhu cầu sử dụng tăng mạnh đang ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ an toàn của nguồn cung điện.
Tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Nhà Trắng, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết quốc gia này cần “tăng gấp ba lần” tốc độ điện khí hóa và cần các “kiến trúc mới”. Nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét những mục tiêu tương tự.
Đơn cử như Việt Nam - một trong những quốc gia đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực ASEAN - cũng đang phải đối mặt với những thách thức về năng lượng. Nhu cầu sử dụng điện cả nước được dự báo sẽ tăng trưởng 10-12% mỗi năm tới 2030. Đồng thời, Việt Nam cũng đặt mục tiêu sẽ giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và giảm 563,8 triệu tấn khí thải cacbon.
Nhưng trước tiên, điều cốt lõi là khả năng tiếp cận điện của các quốc gia phải là quyền lợi phát triển bền vững. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế có những hành động quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu - bao gồm gia tăng nhu cầu sử dụng lưới điện thông qua việc điện khí hóa các lĩnh vực khác - chúng ta phải đầu tư đúng đắn để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với các dịch vụ huyết mạch liên quan đến điện. Do đó, việc thiết lập một lộ trình điện khí hóa phù hợp là ưu tiên trong năm 2023.
Ở nhiều quốc gia, công tác này cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ bằng cách số hóa và hiện đại hóa lưới điện để tạo ra một hệ thống thông minh và bền bỉ hơn. Điều đó có nghĩa là cần phải bổ sung các mạng lưới phân phối tiên tiến, hệ thống điện kết hợp và bộ lưu trữ năng lượng. Việc này giúp quản lý những yêu cầu lưới điện phức tạp của hệ thống lưới đấu nối nhiều nguồn tái tạo trong tương lai sắp tới, cũng như những hệ thống lưới đa chiều, đa diện trong dài hạn khi lượng phát thải ròng về con số không.
Trên thực tế, những quy trình như củng cố lưới điện hoặc cân bằng lưới điện sẽ giúp bổ sung các nguồn điện khác cho một nhà máy năng lượng tái tạo để có thể cấp điện một cách an toàn và ổn định mọi lúc - kể cả khi mặt trời không chiếu sáng hoặc gió ngừng thổi. Củng cố lưới điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bất kỳ hệ thống phát điện nào, đặc biệt là với một quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao như Việt Nam.
Nói chung, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện tức là sử dụng những công nghệ và phần mềm bảo vệ, kiểm soát, giám sát và chẩn đoán mới nhất để theo dõi tình trạng các thiết bị trên toàn hệ thống và để quản lý tốt hơn những hạ tầng quan trọng như trạm biến áp.
Ở những khu vực khác trên thế giới, vấn đề không chỉ là khả năng phục hồi của lưới điện mà là phải xây dựng lưới trước. Những lưới điện mới này có thể trang bị những hệ thống số hóa và phục hồi đẳng cấp thế giới, vượt trội hơn so với hạ tầng truyền tải và phân phối cũ.
Giảm phát thải
Việc xây dựng một hệ thống lưới điện bền bỉ hơn sẽ tạo điều kiện để đạt được ưu tiên thứ hai: tiến bộ trong các mục tiêu giảm phát thải. Việt Nam, cũng như Mỹ và nhiều quốc gia khác, đang đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Với một doanh nghiệp, giảm phát thải có hai khía cạnh: triển khai công nghệ sản xuất đa dạng để đạt được tiến bộ về giảm lượng khí thải và nồng độ carbon và đầu tư vào các công nghệ tương lai đột phá để đưa mức phát thải ròng về không.
Những tiến bộ giảm phát thải trong ngắn hạn phụ thuộc vào việc đầu tư một danh mục năng lượng tái tạo, điện khí hiệu suất cao và điện hạt nhân tiên tiến để vừa giảm khí thải vừa tăng sản lượng điện. Mục tiêu bao quát là phát triển điện gió và điện mặt trời một cách nhanh nhất và đẩy mạnh số lượng trong thập kỷ này. Đồng thời, cũng tăng cường hỗ trợ cho điện hạt nhân và thủy điện như thủy điện tích năng trong các chính sách trên toàn cầu. Bằng cách vừa tạo điều kiện sản xuất điện vừa giảm phát thải khí nhà kính, tất cả công nghệ này đều đóng góp vào ưu tiên khử carbon.
Đối với những quốc gia như Việt Nam, thách thức còn bao gồm việc phải có đủ nguồn điện dự trữ để hòa lưới năng lượng tái tạo trên diện rộng cũng như phát triển công suất truyền tải - chỉ số chưa bắt kịp được với các nguồn điện tái tạo.
Thế giới đã bước vào năm thứ ba trong “thập kỷ hành động” để đối phó với biến đổi khí hậu, củng cố yêu cầu tiến bộ cấp thiết. Để thúc đẩy các mục tiêu điện khí hóa và giảm phát thải, việc chuyển đổi từ thảo luận lý thuyết sang hành động thực tiễn là điều cần thiết.