Trình Chính phủ dự thảo Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 09:32, 03/02/2023
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động cũng như xin ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia, kể cả các tổ chức quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Chi, Bộ Tài chính đã tổng hợp và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đến nay đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ.
“Với tiến độ như vậy, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua những nội dung của Nghị định mới để các quy định thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành; đồng thời, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ.
Nghị định 65 là tên gọi ngắn gọn của Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2022 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định 65 quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Theo đó, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Nghị định 65 ban hành tháng 9/2022 theo hướng thắt chặt, chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm… Do đó, nếu không chỉnh sửa kịp thời thì trong năm 2023, các doanh nghiệp sẽ rất khó phát hành trái phiếu.
TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.