7 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 03/02/2023
Thứ nhất, ngành công thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào. Cụ thể, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các quận, huyện triển khai ngay chương trình kết nối ngân hàng và DN; ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2023-2027.
Ngành công thương cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành như logistics, thương mại điện tử, hệ thống phân phối, sản xuất và tiêu dùng bền vững; hỗ trợ DN tăng cường các hoạt động liên kết vùng; điều hành hiệu quả cung cầu thị trường xăng dầu, phát huy chương trình bình ổn thị trường.
Thứ hai, định hình các chính sách hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghiệp chủ lực. Theo đó, Sở sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ba ngành (cơ khí-tự động hóa, chế biến lương thực - thực phẩm, cao su -nhựa); tổ chức hội thảo định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn; triển khai nghị quyết 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ DN khai thác hiệu quả thị trường trong nước, hỗ trợ thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn.
Thứ tư, hỗ trợ khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ năm, tiếp tục phát huy vai trò hội đồng ngành, hội đồng tư vấn và tăng cường công tác phối hợp các hiệp hội DN, ngành nghề, hiệp hội DN nước ngoài.
Thứ sáu, thúc đẩy chuyển đổi số. Ngành công thương Thành phố tiếp tục khuyến khích chuyển đổi số trong logistics, năng lượng, thương mại điện tử… Những hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu của ngành sẽ khai thác thêm trên nền tảng công nghệ thông tin, internet.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính. Hiện 99% dịch vụ công trực tuyến tại Sở Công Thương đã thực hiện ở mức độ 4 và trong năm 2023 sẽ hoàn thành 100% để giúp cho người dân và DN tiếp cận với các dịch vụ của Sở một cách thuận lợi và nhanh chóng.
Cũng tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết năm nay tăng khoảng 4-5% so với Tết Nhâm Dần 2022. Sức mua bắt đầu tăng sau ngày 14/1/2023 (23 tháng Chạp), tăng mạnh từ ngày 18/1/2023 (27 tháng Chạp), giá một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng nhẹ trong những ngày cao điểm mua sắm Tết.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các DN trên địa bàn đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất kinh doanh, với hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, DN Thành phố đang phải đối diện với những khó khăn vì đơn hàng sụt giảm (nhiều ngành nghề hiện nay đơn hàng chỉ bằng 30-40% so cùng kỳ), tiếp cận tín dụng khó khăn, xung đột vũ trang ở một số nơi tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu…