Ca phẫu thuật cân não đưa “dạ dày đi lạc lên khoang ngực” về lại ổ bụng
Sống khỏe - Ngày đăng : 09:00, 03/02/2023
Dạ dày “đi lạc” lên ngực: Quá hi hữu
Bệnh viện FV vừa cấp cứu thành công bệnh nhân người Indonesia 48 tuổi Johan Prasetyo Santoso. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng cho thấy, anh bị thoát vị hoành cấp tính, theo đó dạ dày của anh đã bị di chuyển lên ngực.
Bác sĩ Lê Đức Tuấn - bác sĩ điều trị cấp cao Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV cho biết, cơ hoành là một cơ vân dạng dẹt, ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng. Ngoài chức năng chính là hỗ trợ hô hấp, cơ hoành còn đóng vai trò như một vách ngăn để phân tách các tạng ở vùng ngực và vùng bụng. Thoát vị hoành xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng di chuyển lên trên, “lạc” vào lồng ngực thông qua một khiếm khuyết hoặc tổn thương trên bề mặt cơ hoành.
Bệnh viện FV phối hợp đa chuyên khoa trong ca phẫu thuật cho bệnh nhân Indonesia. Ảnh: FV |
“Trong trường hợp các tạng bên dưới đã đi vào lồng ngực, chèn ép tim, phổi gây ảnh hưởng đến hô hấp thì cần phải phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo tính mạng. Nếu chậm trễ, các cơ quan bên dưới có thể bị kẹt trên lồng ngực, gây viêm tắc, hoại tử hoặc vỡ ra, dẫn đến rủi ro cao hơn”, bác sĩ Tuấn giải thích.
Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ Tuấn nhận thấy bệnh nhân từng bị tai nạn giao thông cách đây khoảng 6 tháng, khiến anh bị gãy xương sườn và thường xuyên cảm thấy đau thắt ở vùng ức kèm khó thở sau đó. Người bệnh cũng nhiều lần đi khám ở Indonesia nhưng chỉ được chẩn đoán là mắc chứng trào ngược dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa mà không thực hiện các kiểm tra chuyên sâu hơn như chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
“Theo y văn thế giới, chỉ có khoảng 0,3% trường hợp chấn thương cơ hoành dẫn đến thoát vị hoành như vậy”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ, tình trạng dạ dày lộn lên ngực là khá hiếm gặp. Ảnh: FV |
Ca phẫu thuật cân não
Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện FV nhận thấy gần 30cm dạ dày, ruột và mạc nối lớn chui qua một vết rách cơ hoành với đường kính khoảng 5-6cm tạo thành một nút thắt chặt, rất khó để đưa xuống. Nếu kéo xuống không đúng cách có thể làm rách ruột, dạ dày hoặc sang chấn các tạng quan trọng xung quanh. Hơn nữa, tim đã bị chèn ép xuống sát ngay vị trí hở cơ hoành, dẫn đến nguy cơ ngưng tim, nếu tim đập chạm vào dụng cụ mổ.
Một vấn đề quan trọng khác là phải kiểm soát thật tốt việc chảy máu và cầm máu, bởi nếu máu chảy tràn ra thì bác sĩ không còn nhìn rõ để thao tác, ca mổ xem như thất bại.
Ca phẫu thuật nội soi dự kiến dài 8 tiếng với ê kíp “hùng hậu” phối hợp đa chuyên khoa, gồm bác sĩ Tuấn là bác sĩ phẫu thuật chính và các bác sĩ lồng ngực, tiêu hóa, mạch máu, chẩn đoán hình ảnh…
“Gần hai giờ đầu tiên, chúng tôi hết xoay trở bệnh nhân rồi xoay xở tư thế mổ để tìm cách đưa ruột, dạ dày xuống ổ bụng mà không bị rách”, bác sĩ Tuấn kể lại.
Bệnh nhân được làm xẹp dạ dày và ruột để giảm kích thước. Bác sĩ Tuấn cẩn trọng dùng kẹp kéo từng centimet tạng xuống, vừa kéo vừa chặn để tránh các bộ phận lại di chuyển lên trên. Sau hơn 4 tiếng căng thẳng, cuối cùng các bác sĩ FV đã giúp đưa toàn bộ phần tạng bị thoát vị trở lại ổ bụng. Nhưng do phổi bị chèn ép dữ dội đã xẹp gần hết, các bác sĩ phải đặt dẫn lưu màng phổi giúp phổi nở ra.
“Ngay sau khi cầm máu, các chỉ số mạch, huyết áp và oxy của bệnh nhân trên màn hình theo dõi lập tức trở lại bình thường”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, với trường hợp của bệnh nhân này, việc mổ mở có thể dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ phải thực hiện vết mổ kéo dài từ bụng lên đến cơ hoành, tức mở gần hết bụng, sau đó bệnh nhân sẽ hồi phục kém. Với kinh nghiệm của mình, các bác sĩ tại FV đã tự tin chọn mổ nội soi để bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn sau ca mổ.
Anh Santoso và vợ trực tiếp cảm ơn bác sĩ Tuấn đã giúp anh qua cơn nguy kịch.Ảnh: FV |
“Bác sĩ Tuấn là một bác sĩ giỏi và có tâm với bệnh nhân, tôi hoàn toàn yên tâm. Hiện tôi đã khỏe, vợ và con tôi cũng đã sang đây với tôi. Cảm ơn bác sĩ Tuấn và ê - kíp đã cứu mạng tôi”, nam bệnh nhân xúc động chia sẻ.