5 đề xuất về cơ chế, chính sách cho thành phố Thủ Đức
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 04/02/2023
UBND TP.HCM vừa gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm, tạo động lực phát triển TP.HCM. Theo đó, có 5 đề xuất về cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính nhằm giúp thành phố Thủ Đức phát triển đúng định hướng là cực tăng trưởng mới của địa phương.
Thứ nhất, đề xuất HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức trong các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý kinh tế, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, quản lý văn hóa xã hội, tổ chức, bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và cán bộ, công chức, viên chức.
Mục tiêu của nội dung này là tạo điều kiện cho thành phố Thủ Đức chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính, các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND TP.HCM. Cơ chế này còn tạo ra sự chủ động trong quản lý điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của UBND thành phố Thủ Đức, dưới sự giám sát của HĐND thành phố Thủ Đức.
Thứ hai, HĐND TP.HCM quyết định giao một số chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM cho UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, thuộc phạm vi địa bàn thành phố Thủ Đức quản lý. Theo đó, trong phạm vi các nội dung quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn, trừ những nội dung đã được TP.HCM ủy quyền.
Đề xuất này sẽ giúp TP.HCM chủ động trong công tác quản lý tài chính, ngân sách để có nguồn lực tài chính dồi dào, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội, có cơ sở hạ tầng vững vàng và hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố về y tế, giáo dục…
Thứ ba, HĐND TP.HCM quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc thành phố Thủ Đức, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm của thành phố Thủ Đức.
Cơ chế này giúp thành phố Thủ Đức chủ động trong quyết định số lượng, cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế của thành phố Thủ Đức.
Thứ tư, HĐND thành phố Thủ Đức quyết định thành lập ban đô thị thuộc HĐND thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, HĐND thành phố Thủ Đức sẽ có hai phó chủ tịch HĐND và có không quá 8 đại biểu chuyên trách, thực hiện công tác giám sát về lĩnh vực đô thị, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn, phản biện về các vấn đề bức xúc của cử tri, kịp thời báo cáo HĐND thành phố Thủ Đức xử lý, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của HĐND thành phố Thủ Đức.
Thứ năm, UBND thành phố Thủ Đức có không quá 4 phó chủ tịch UBND, các đơn vị ngành dọc trên địa bàn thành phố Thủ Đức, các đơn vị thuộc và trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức có không quá 4 cấp phó của người đứng đầu. Chế độ công tác, phụ cấp chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo được quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất và quy mô công việc. UBND thành phố Thủ Đức được thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất, Thanh tra xây dựng và Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức.
TP.HCM cho rằng, chính sách trên cho phép tăng số lượng biên chế cấp phó của UBND thành phố Thủ Đức và cấp phòng ban, nhằm đáp ứng khối lượng công việc của thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước.